Khám phá bí mật của ban nhạc nổi tiếng The Beatles

ANTĐ - Có lẽ sẽ thật bất ngờ khi biết rằng The Beatles, một trong những nhóm nhạc thành công nhất lịch sử âm nhạc đại chúng, lại không hề biết cách đọc các bản nhạc thông thường. Vậy họ đã học nhạc và chinh phục trái tim hàng triệu con người như thế nào?
Câu chuyện tìm tới âm nhạc đầy lôi cuốn

John Lenon đã phát biểu năm 1980 rằng: "None of us can read music. None of us can write it." (Tạm dịch: Không ai trong chúng tôi có khả năng đọc nhạc cũng như viết nhạc). Các thành viên của The Beatles đến với âm nhạc hoàn toàn tự nhiên, không cần tới sách vở. Có một lần, cả nhóm đã từng cùng nhau đến thị trấn chỉ để nghe và học hợp âm B7 (Si-7) của đàn ghi-ta. Mẹ của John Lennon cũng dạy anh các hợp âm của đàn Banjo.

Sau này, Paul McCartney mới hướng dẫn John học các gam hợp âm ghi-ta chuẩn xác. Tất nhiên, họ chỉ học với nhau qua thính giác và sự sắp xếp nhanh nhạy các nốt nhạc trong đầu. Thành viên Geogre Harrison thì tự mày mò học ghi-ta một cách chăm chỉ. Để học hỏi và chuẩn bị cho các buổi diễn lớn, các thành viên thường nghe các bản nhạc và cố gắng bắt chước các âm họ nghe được một cách chuẩn xác nhất.

Để ghi âm các bản nhạc phát hành chính thức, The Beatles sẽ xướng âm cho Geogre Martin- một nhà sản xuất âm nhạc có chuyên môn-ghi lại bản nhạc. Trong trường hợp sử dụng nhạc cổ điển hoặc nhạc thính phòng khi thu âm, George Martin cũng có vai trò lắng nghe và tổng hợp lại để có được những giai điệu chính xác nhất.

Các thành viên ban nhạc The Beatles

Các thành viên của The Beatles cũng thừa nhận việc không am hiểu nhiều kiến thức về âm nhạc thực ra lại là điều may mắn cho họ. George Harrison đã từng nói, nếu ông biết quá nhiều về nhạc lý thì các bài hát sẽ mất đi sự sáng tạo và giai điệu trôi chảy một cách tự nhiên, và The Beatles chưa chắc đã có được những bản hit tuyệt vời như “Yesterday”. 
Vậy tại sao dù không biết về nhạc lý mà các thành viên của nhóm vẫn có thể xướng âm hết sức chuẩn xác? Đó là do họ được thừa hưởng khả năng đặc biệt: Thẩm âm chuẩn xác.
Thẩm âm chuẩn xác- Điều kỳ diệu của thính giác con người

Người sở hữu khả năng thẩm âm chuẩn xác có thể nhận biết và lặp lại bất kỳ giai điệu nào mà không cần nhìn bản nhạc. Họ không chỉ đơn thuần nghe tốt hơn mà có khả năng cảm nhận và phân loại âm thanh trong tâm trí. Họ có thể nhận biết cao độ của tiếng ồn hàng ngày (tiếng còi xe, động cơ, còi báo động), nêu tên các âm trong một hợp âm (A –La trưởng, C- Đô trưởng hoặc G-Son trưởng v.v…) và lặp lại đúng dải âm trong hợp âm đó.
Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi khả năng này là do bẩm sinh hay học tập mà có. Khoảng 3% dân số Mỹ và châu Âu sở hữu nhạc cảm chuẩn xác, và 8% trong số họ là nhạc công chuyên nghiệp hoặc bán chuyên. Tuy nhiên, có tới 70% nhạc công trong các học viện âm nhạc Nhật Bản có khả năng này. Các nhà khoa học cho rằng đó là do sự khác biệt về ngôn ngữ. Tiếng Nhật, tiếng Việt hay tiếng Quan Thoại rất giàu âm điệu, điều này khiến khả năng cảm nhạc tăng đáng kể. Khả năng này còn có thể xuất hiện ở những người mù bẩm sinh (hội chứng William) hoặc ở người tự kỉ.

Với trường hợp của The Beatles, có thể nói khả năng âm nhạc của họ đến một cách rất tự nhiên. Chính các nốt nhạc, các giai điệu không theo bất cứ quy tắc, quy chuẩn nào đã biến âm nhạc của họ trở nên khác biệt, nổi bật và có chỗ đứng trong lòng công chúng.