Khám phá bãi đá cổ Đắk Ha huyền thoại

ANTĐ - Ở bon Kon Hao, xã Đắk Ha (Đắk Glong, Đắk Nông) có một bãi đá cổ in rất nhiều dấu chân người, gắn với nhiều truyền thuyết và nghi lễ độc đáo của đồng bào M’nông.

Khi được hỏi về bãi đá cổ thì ông K’Siêng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đắk Ha- người rất am hiểu và có nhiều công lao trong việc giữ gìn “di tích” độc đáo này đã vui vẻ nhận lời, dẫn chúng tôi tới tận nơi để xem.

Bãi đá cổ nằm giữa một vùng đất trũng thuộc hồ Nao Bân, bon Kon Hao, xã Đắk Ha, chỉ có một vài mỏm đá nổi hẳn lên mặt nước và trên đó có rất nhiều dấu chân người to nhỏ khác nhau, còn rất rõ nét.

Theo ông K’Siêng thì nhiều người già trong bon cho biết, những dấu chân ở đây đã có từ nhiều đời rồi và có khá nhiều truyền thuyết xung quanh nó, nhưng chỉ có hai truyền thuyết được lưu truyền rộng rãi trong dân gian.

Truyền thuyết thứ nhất kể rằng, từ xa xưa ở bon Kon Hao có một người thợ săn tên là K’Vông có sức khỏe hơn người, luôn dẫn đầu trai tráng diệt ác thú bảo vệ mùa màng và sự bình yên cho bon làng.

K’Vông có một con chó săn rất tinh khôn, nhờ đó mà săn bắn được nhiều thú rừng. Cứ mỗi khi săn bắn được thú, ông lại chia đều cho bà con trong bon, nên ai cũng yêu quý K’Vông.

Một hôm đi săn về, ngang hồ Nao Bân, chú chó săn bỗng nhiên mất hút, K’Vông tìm khắp các khu rừng quanh hồ vẫn không thấy nó trở về nên đành phải ngồi đợi. K’Vông cùng vợ con đứng tại mỏm đá giữa hồ Nao Bân đợi chú chó hết ngày này qua ngày khác, nhưng cũng không thấy nó về, thế là mỏm đá hằn dấu chân của ông và vợ con.

Bỗng nhiên một ngày không có mưa, sấm chớp nổi lên, cả gia đình K’Vông mất hút giữa bàu nước. Bà con cho rằng K’Vông là người được Giàng cử xuống giúp bon làng, vì thế hồ nước này được đặt tên là hồ tiên. 

Khám phá bãi đá cổ Đắk Ha huyền thoại ảnh 1
Tượng K’Long và người vợ tiên

Truyền thuyết thứ hai có phần lãng mạn hơn, đó là đã lâu lắm rồi ở bon Kon Hao có chàng K’Long mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nên phải đi ở chăn trâu cho các nhà giàu trong bon.

K’Long hiền lành, thật thà và chăm chỉ nên ai cũng thương, cũng quí. Thương chàng trai hiền lành, chăm chỉ, nghèo khổ, Giàng đã cử một nàng tiên xuống để làm vợ K’Long.

Một hôm đang chăn trâu ở gần hồ nước, K’Long nghe tiếng động lạ, nhìn xuống thì thấy một cô gái tuyệt đẹp đang tắm giữa hồ, nhưng bỗng nhiên có một con quái vật xuất hiện đe dọa cô gái.

Thấy vậy, K’Long đã cầm giáo lao xuống hồ giết quái vật, cứu cô gái, thế là họ nên vợ nên chồng.

Nhờ người vợ có phép tiên, K’Long đã có nhà cửa rộng lớn, nhiều rẫy và súc vật, trở thành một người khá giả. Không chỉ lo cho gia đình mình, vợ chồng K’Long còn thường chỉ cho bà con cách trồng trọt và làm ăn, nên bon Kon Hao lúc nào cũng rộn rã tiếng chiêng được mùa.

Cho đến một hôm, K’Long đi dự đám cuới ở bon khác và bị một cô gái lạ quyến rũ. Phát hiện ra sự việc, giận chồng không chung thủy, nàng tiên đã chạy xuống hồ Nao Bân và mất hút.

Thương vợ và ân hận về hành động của mình, K’Long đã ngồi ở mỏm đá giữa hồ Nao Bân gọi vợ và khóc suốt 7 ngày 7 đêm. Cảm động, người vợ tiên đã hiện lên và đưa K’Long về trời. Chỗ K’Long ngồi đợi vợ còn hằn dấu chân và cạnh đó còn có một cái lỗ sâu do cắm cây giáo bên cạnh.

Đối với bà con M’nông ở bon Kon Hao thì bãi đá cổ là một nơi rất linh thiêng và bon cũng qui định không ai được phóng uế hay tự tiện chặt phá cây rừng tại khu vực này.

Ông K’Siêng cho biết, trước đây hồ Nao Bân có rất nhiều cá, bà con đến đây bắt cá ăn quanh năm. Nước hồ Nao Bân thì không bao giờ cạn và những cháu nhỏ bị ghẻ lở hay người lớn bị thương ngoài da đến tắm thì khỏi ngay.

Đồng bào còn có quan niệm, hễ ai ướm chân vào các dấu chân lớn thì sẽ luôn gặp may mắn; còn trẻ em ướm chân vào các dấu chân nhỏ sẽ nhanh biết đi hơn và khỏe mạnh, thông minh.

Về cái lỗ nơi K’Long cắm giáo mà thành, trước đây vào mùa vụ mỗi năm, bà con thường tìm thấy trong lỗ những hạt lúa, hạt ngô, hạt bí… và năm nào mà tìm được nhiều thì năm đó bon làng sẽ được mùa. Mỗi khi trời hạn, bà con còn tới đây làm lễ cầu mưa, khấn thần, sau đó thọc gậy xuống lỗ thì trời sẽ mưa. Cho đến nay, đồng bào M’nông ở đây ít nhiều vẫn còn lưu giữ những tập tục này.

Bãi đá cổ và những câu chuyện thực hư xung quanh nó đã được lưu truyền, tồn tại cùng với bà con bon Kon Hao cho đến tận ngày hôm nay.

Tuy nhiên, vào năm 2009, bãi đá cổ suýt bị tàn phá. Bởi vì, khi tiến hành xây dựng Tỉnh lộ 4, đơn vị trúng thầu đã khai thác đá ở gần bãi đá này để làm đường.

Thấy vậy, UBND xã đã đề nghị cơ quan chức năng dừng việc khai thác đá ở đây và may mắn là ngăn chặn được kịp thời. Không những thế, ông K’Siêng còn tình nguyện dựng một ngôi nhà nhỏ gần hồ Nao Bân để bảo vệ bãi đá cổ cho bon làng.

Nhờ sự nhiệt tình của ông K’Siêng, nên không chỉ mỏm đá mà gần 1 ha rừng cạnh hồ cũng không bị xâm hại. Hơn thế nữa, ông còn sẵn sàng bỏ ra gần 20 triệu đồng đúc hai bức tượng mang hình dạng K’Long và nàng tiên dựng ngay giữa bãi đá cổ để con cháu trong bon biết mà giữ gìn.

Gạt bỏ những yếu tố huyền thoại, theo chúng tôi, cơ quan văn hóa cần vào cuộc, xem xét những dấu chân ở bãi đá cổ này có phải là của người tiền sử hay không? Nếu đúng thì có thể đây sẽ là một di tích rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và còn là một địa điểm du lịch hấp dẫn.