Khai thác nguồn lực văn hóa để phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong nội dung của “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” mà Chính phủ vừa ký quyết định ban hành có đưa ra 8 mục tiêu cụ thể. Trong đó, có nhấn mạnh “Phấn đấu có từ 1 đến 3 thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO”. Trước đó, năm 2019, Hà Nội là thành phố đầu tiên trong cả nước được UNESCO công nhận danh hiệu ý nghĩa này. Với những nỗ lực thúc đẩy phát triển văn hóa và gìn giữ truyền thống, bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch. Hà Nội hiện cũng đang triển khai nhiều việc làm để biến văn hóa thành sức mạnh cho Thủ đô.
Bề dày văn hóa tạo ra sức mạnh của đất nước, làm hành trang vững chắc trong hội nhập quốc tế

Bề dày văn hóa tạo ra sức mạnh của đất nước, làm hành trang vững chắc trong hội nhập quốc tế

Làm thế nào tạo ra sức mạnh đô thị, sức mạnh quốc gia?

Trong một cuộc tọa đàm gần đây xung quanh việc phát triển văn hóa cho Thủ đô do Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT) Hà Nội tổ chức, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội kể, năm 2017, khi còn trên cương vị Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, ông có tham dự một diễn đàn của UNESCO tại Manila (Italia). Cuộc họp hôm đó bàn nhiều đến việc, làm thế nào tạo ra sức mạnh của đô thị, làm thế nào tạo sức mạnh quốc gia.

Và khi đó, đại diện một thành phố của Indonesia mới báo cáo về việc tham gia “Mạng lưới thành phố sáng tạo” và từ việc tham gia này, họ đã đạt được lợi ích thế nào. Tiếp theo là Chiang Mai (Thái Lan) cũng có những báo cáo liên quan đến thành phố sáng tạo. “Lúc đó, tôi thấy giật mình. Hóa ra thành phố ở các nước Đông Nam Á đã cập nhật với thế giới khi tham gia “Mạng lưới thành phố sáng tạo”. Từ đó, họ được rất nhiều, từ câu chuyện hỗ trợ về kinh nghiệm, phát triển thương hiệu, tổ chức sản phẩm...

Nhưng chúng ta luôn tự hào về bề dày văn hóa truyền thống thì lại chưa có thành phố nào tham gia và cũng không ai có bất cứ ý tưởng liên quan nào đến việc Việt Nam phải có một thành phố tham gia vào “Mạng lưới thành phố sáng tạo” cả. Chúng ta biết, bề dày văn hóa tạo ra sức mạnh của đất nước và nếu chúng ta có một bề dày văn hóa, có di sản mà lại không sử dụng cho đúng mục đích nhằm tạo lợi thế cho sự phát triển của đất nước, làm hành trang vững chắc trong hội nhập quốc tế thì thật lãng phí” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Rồi khi về nước, ông đem câu chuyện đó nói với Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong (khi đó đang là Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội). Câu chuyện đi đến thống nhất: Phải làm hồ sơ tham gia, nhất định không để tụt hậu và Hà Nội phải trở thành Thủ đô sáng tạo của Đông Nam Á. Và rồi, những nỗ lực đã được đền đáp bằng thành quả, tháng 10-2019, Hà Nội chính thức ghi tên mình vào “Mạng lưới thành phố sáng tạo” của UNESCO để từ đó có thêm những động lực phát triển. PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng nhấn mạnh, năm 2020 bộ phim “Ký sinh trùng” của Hàn Quốc đoạt giải Oscar. Nhưng trước đó từ nhiều năm, họ đã có một Liên hoan phim Busan tên tuổi lẫy lừng. Tương tự, Việt Nam muốn có phim đoạt giải Oscar thì cũng phải tập trung đầu tư phát triển, quảng bá thương hiệu cho Liên hoan phim quốc tế Hà Nội thì mới có được thành công như mơ ước.

Phát huy tiềm năng ngành công nghiệp điện ảnh

Trong Dự thảo “Đề án Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045” đã đề cập khá rõ ràng cả thuận lợi và khó khăn của điện ảnh Hà Nội. Theo đánh giá, so với cả nước, Hà Nội là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành điện ảnh như: có nhiều cơ sở điện ảnh lớn của Nhà nước, có lực lượng các nghệ sỹ, diễn viên điện ảnh tiêu biểu cho cả nước tập trung ở Hà Nội. Đời sống văn hóa tinh thần, nhu cầu hưởng thụ điện ảnh của khán giả đòi hỏi phải luôn tìm tòi, đổi mới và sáng tạo.

Những năm gần đây được sự chỉ đạo, phối hợp của các cơ quan chức năng của thành phố, Đài Truyền hình Trung ương và Hội Điện ảnh Hà Nội đã tiến hành xây dựng những bộ phim truyện ngắn về lịch sử có quy mô tầm cỡ về Hà Nội. Một số bộ phim do Nhà nước đặt hàng và tài trợ sản xuất về đề tài chiến tranh cách mạng, phản ánh quá khứ hào hùng của dân tộc đạt chất lượng nghề nghiệp cao. Nhiều bộ phim thành công về nghệ thuật và có tính nhân văn.

Số lượng người xem ngày càng tăng, doanh thu ngày càng lớn. Nhiều rạp chiếu phim cập nhật phim nhanh, hệ thống phòng chiếu hiện đại, cũng như đa dạng dịch vụ đi kèm cùng với xu hướng nhập khẩu và phát hành phim chuyên nghiệp. Tuy nhiên, Dự thảo cũng chỉ rõ, bộ máy hành chính và quản lý nghệ thuật điện ảnh của Hà Nội còn chậm đổi mới, chưa theo kịp cơ chế kinh tế mới và xu hướng hội nhập quốc tế. Những chính sách chưa được cởi mở cho môi trường kinh doanh điện ảnh, chưa xây dựng những cơ sở kinh doanh điện ảnh lớn có kỹ thuật hiện đại, chưa có chế độ khuyến khích về tài chính, điều kiện sáng tạo cho đội ngũ nghệ sĩ điện ảnh trên địa bàn Thủ đô.

Hà Nội hiện nay chỉ có Hãng phim Sao Khuê tham gia sản xuất phim nhưng chủ yếu là làm phim tài liệu và phim truyền hình. Phim truyện nhựa để chiếu rạp, khối làm phim tư nhân Hà Nội không tham gia, mấy năm gần đây đều do các hãng phim phía Nam sản xuất. Xã hội hóa điện ảnh ở Hà Nội còn hạn chế. Một vài cơ sở điện ảnh tư nhân đã thành lập nhưng không hoạt động được. Tỷ lệ những phim truyện lớn hợp tác với điện ảnh nước ngoài ở Hà Nội cũng ít hơn thành phố Hồ Chí Minh. Thị trường điện ảnh ở đây thiếu năng động trong mối liên kết với thị trường điện ảnh quốc tế.

Nhiều nghệ sĩ có tài không còn gắn bó với hãng mà tìm nguồn làm phim và các công việc khác bên ngoài. Tất cả những yếu tố đó làm cho sức sáng tạo, sáng tác giảm sút, ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng phim. Nhiều rạp chiếu thuộc khu vực quốc doanh cơ sở vật chất đều cũ kĩ lạc hậu và không đủ tiêu chuẩn kĩ thuật. Việc duy trì một số rạp chiếu thuộc loại hình thức sự nghiệp có thu ở các địa phương chỉ là để phục vụ cho các đợt sinh hoạt chính trị như tổ chức các tuần phim kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, hiệu quả về mặt kinh tế không cao. Bên cạnh đó, công tác đào tạo còn bất cập. Lực lượng sáng tác trẻ chưa có sự vững chắc về phong cách và có sự phân tâm trong sáng tác. Các đạo diễn Việt kiều chịu ảnh hưởng rõ rệt văn hóa nước ngoài, bắt chước điện ảnh nước ngoài trong khi chưa có ý tưởng thực sự sâu sắc, chưa có bề dày văn hóa, thiếu bản sắc và vốn sống Việt Nam.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, thách thức lớn hơn cả là nhiều đơn vị liên quan trong ngành vẫn chưa nhận ra được tiềm năng của ngành công nghiệp điện ảnh, thiếu tầm nhìn vĩ mô, dẫn đến các định hướng ngắn hạn. Nhiều đơn vị đang chú ý quá nhiều vào thị phần, doanh thu, thay vì tập trung vào tầm nhìn xa hơn cho sự phát triển của nền công nghiệp điện ảnh Thủ đô.

Cốt lõi của phát triển bền vững, đó chính là cần khai thác nhiều hơn nguồn lực văn hóa, nguồn lực con người

Cốt lõi của phát triển bền vững, đó chính là cần khai thác nhiều hơn nguồn lực văn hóa, nguồn lực con người

Khai thác tài nguyên văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, hiện nay cả nước có 119 di tích quốc gia đặc biệt (trong đó di tích lịch sử là 51, di tích kiến trúc nghệ thuật là 24, khảo cổ 4, danh thắng 9, hỗn hợp là 31), di tích quốc gia là 3.581. Còn theo số liệu thống kê của Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 5.000 di tích, trong đó có hơn 1.000 di tích đã được xếp hạng quốc gia

Theo PGS.TS Chu Văn Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, đã có thời kỳ, văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo không những không được xem là yếu tố đóng góp cho sự phát triển mà ngược lại, đây là nhân tố cản trở sự phát triển xã hội, hoặc tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Tuy nhiên, điều đó đã được thay đổi cùng với quá trình đổi mới đất nước. Để phát triển đất nước chúng ta cần đến nguồn lực vật chất và nguồn lực tinh thần. Văn hóa nói chung, văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng không chỉ đóng góp vào nguồn lực vật chất mà cả nguồn lực tinh thần cho sự phát triển xã hội.

Các tín ngưỡng, tôn giáo góp phần tạo ra các di tích văn hóa, các di vật là những bảo vật quốc gia, những quần thể di tích, danh lam thắng cảnh chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, nghệ thuật... Đây chính là nguồn tài nguyên quý giá cho sự phát triển đất nước. Đáng chú ý, nguồn tài nguyên này có thể vừa bảo tồn, vừa khai thác một cách bền vững mà không lo cạn kiệt. Cốt lõi của phát triển bền vững, đó chính là cần khai thác nhiều hơn nguồn lực văn hóa, nhân văn, nguồn lực con người, chứ không phải là nguồn lực tự nhiên.

Hiện nay, các giá trị của văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo cũng đã bước đầu được khai thác phục vụ mục đích du lịch. Trong những năm qua, du lịch tâm linh đã trở thành một xu hướng thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước. Các địa điểm du lịch và lễ hội nổi tiếng như chùa Hương, Yên Tử, Miếu bà Chúa Xứ Núi Sam, Núi Bà Đen Tây Ninh, Lễ hội Katé ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Thánh địa La Vang (Quảng Trị), Di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam)... thu hút hàng triệu lượt khách tham quan du lịch mỗi năm.

Nhiều địa phương đã khai thác các di sản tín ngưỡng, tôn giáo (vật thể, phi vật thể) để xây dựng các điểm tham quan, du lịch nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước. Các địa phương quan tâm đến phát triển du lịch tâm linh không chỉ bởi nguồn thu cho ngân sách, mà còn mong đợi sẽ mang lại tác động tích cực khác cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Như vậy, nếu như các địa phương biết khai thác các di sản tín ngưỡng, tôn giáo để phát triển du lịch một cách có chiến lược, có mục tiêu rõ ràng và hướng đến phát triển bền vững thì có thể kích thích phát triển kinh tế xã hội của địa phương rất hiệu quả.

PGS.TS Chu Văn Tuấn nói thêm, những bất cập trong khai thác giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương cũng cần được nhìn nhận, đánh giá một cách đầy đủ để có những giải pháp khắc phục. Càng ngày, chúng ta càng nhận ra, sự phát triển kinh tế - xã hội phải song hành và hướng đến mục tiêu văn hóa. Nếu chỉ đạt được chỉ số tăng trưởng cao, nhưng chỉ số về phát triển văn hóa lại thấp thì sự tăng trưởng đó cũng không có nhiều ý nghĩa. Sự phát triển của văn hóa phải được xem là tiêu chí quan trọng cho sự phát triển toàn diện và bền vững đất nước.

NSND Thúy Mùi - Chủ tịch Hội sân khấu Việt Nam: Sân khấu đang tụt hậu trong tiến trình phát triển công nghiệp văn hóa

Công nghiệp văn hóa hiện nay đang đóng vai trò mũi nhọn của nền kinh tế tri thức, là thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, góp phần truyền bá bảo tồn và phát huy giá trị tinh hoa văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, nền văn nghệ hiện nay còn xa lạ với cách mạng công nghệ 4.0. Cơ sở vật chất sân khấu của các đơn vị nghệ thuật đa phần cũ kỹ, lỗi thời, khó có thể nói đến việc ứng dụng công nghệ 4.0. Chưa kể, đội ngũ sáng tạo nghệ thuật sân khấu chủ yếu được đào tạo trong nước, rất thiếu điều kiện để tiếp cận với những tinh hoa văn học nghệ thuật thế giới. Điều này khác với thế hệ đi trước được Đảng và Chính phủ đào tạo tại các nước Đông Âu, Xã hội chủ nghĩa, đã tạo nên những thế hệ vàng và thời hoàng kim cho văn học nghệ thuật nước nhà. Phải chăng vì vậy mà văn học nghệ thuật nói chung, nghệ thuật sân khấu nói riêng đang “hiếm có khó tìm” những tài năng xuất chúng trong đội ngũ sáng tác như trước đây. Riêng nghệ thuật sân khấu cho thấy sự thiếu hụt đội ngũ tác giả, đạo diễn trẻ tài năng một cách trầm trọng nhất của sân khấu thế kỉ 21.

Các đơn vị nghệ thuật địa phương phải sáp nhập vào các Trung tâm văn hóa là đơn vị sự nghiệp hoạt động công tác tuyên truyền, phong trào, nên nghệ thuật sân khấu có nơi đang bị rơi vào tình trạng nghiệp dư, tính chất chuyên nghiệp và bản sắc của nghệ thuật truyền thống đều bị phai bạc đáng tiếc. Thực trạng hiện nay của sân khấu Việt Nam đang đặt ra cho những người làm nghề trách nhiệm và thách thức rất lớn, đó là phải tìm cách thoát khỏi hiện trạng sân khấu đang mất khán giả, nhất là sân khấu truyền thống. Nếu không tìm cách giải quyết kịp thời thì sân khấu truyền thống sẽ có nguy cơ tụt hậu, đứng trước thách thức lớn trong việc tồn tại và phát triển. Nguyên nhân có lẽ là do chúng ta chưa chú trọng đúng mức tới việc tổ chức, giáo dục, đào tạo các thế hệ khán giả mới của sân khấu truyền thống. Lớp khán giả trung và cao niên đông đảo quen thuộc, hiểu và say mê sân khấu truyền thống của những năm trước đây đã ngày càng ít dần và một ngày không xa sẽ không còn nữa.