Khai thác khoáng sản kém hiệu quả: Hệ lụy của việc cấp phép tràn lan

ANTĐ - Tỷ lệ thu hồi khoáng sản chưa cao; công tác bảo vệ môi trường chưa được coi trọng; tình trạng xuất khoáng sản thô kéo dài, đặc biệt tình trạng xuất lậu sang Trung Quốc rất nghiêm trọng. Đây là những bất cập trong khai thác khoáng sản được các chuyên gia nêu ra.

Các chuyên gia khuyến cáo cần siết chặt việc cấp phép cũng như giám sát khai thác khoáng sản

Nhức nhối xuất lậu khoáng sản thô

Nêu lên tình trạng đáng lo ngại là xuất khoáng sản thô, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho biết: “Mặc dù Chính phủ đã cấm nhưng tình trạng này vẫn kéo dài. Con số thống kê của Việt Nam xuất sang Trung Quốc ít hơn so với con số do Trung Quốc công bố là 5 tỷ USD. Phía Trung Quốc cho biết, phần lớn trong tổng số 5 tỷ USD nói trên là khoáng sản”.

Ông Lê Đăng Doanh đặt vấn đề: “Tại sao xuất khẩu với giá trị lớn như vậy mà số liệu thống kê cũng không có? 5 tỷ USD này đi đâu và tại sao lại có việc này? Đây là câu hỏi được một vị đại biểu Quốc hội khóa XIII nêu lên nhưng đến nay vẫn chưa có giải trình rõ ràng. Qua đó có thể thấy, tình trạng sử dụng khoáng sản và xuất khẩu khoáng sản là có vấn đề”. TS Lê Đăng Doanh kiến nghị, cần phải kiểm soát chặt chẽ, tiến tới chấm dứt xuất lậu quặng thô sang Trung Quốc. Đồng thời, phải sớm thực hiện công khai, minh bạch trong việc khai thác tài nguyên.

Cũng theo vị chuyên gia này, tỷ lệ thu hồi khoáng sản hiện nay chưa cao, nhiều nguyên tố phụ trong chất thải khoáng sản được nước ngoài thu mua với giá rẻ và sau đó khai thác được nhiều nguyên tố quý. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Thái cho rằng, chúng ta đang buông lỏng quản lý khai thác khoáng sản. Gần đây, việc cấp phép khai thác được mở rộng ra khu vực tư nhân nhưng công tác quản lý vẫn lỏng lẻo, không hiệu quả.

Bảo vệ môi trường chưa được coi trọng

Một trong những vấn đề đáng chú ý đối với các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản là phải gắn liền với bảo vệ môi trường nhưng thực tế đã chỉ ra rằng, công tác bảo vệ môi trường chưa được coi trọng. Liên quan tới vấn đề này, TS. Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia tư vấn độc lập cho rằng: “Đánh giá tác động môi trường tại các dự án khai thác khoáng sản cũng như tại nhiều dự án khác còn thiếu nghiêm túc và không đúng quy định. Luật Bảo vệ môi trường đã quy định đầy đủ các nội dung cần phải làm nhưng việc đánh giá chỉ được làm theo kiểu đối phó”.

TS Nguyễn Thành Sơn nêu ví dụ, việc lấy ý kiến cộng đồng đáng ra phải được thu thập nghiêm túc song lại được làm theo kiểu rất qua loa. “Về nguyên tắc, quy trình đánh giá hay nội dung đánh giá, phê duyệt trong luật có hết nhưng doanh nghiệp không làm. Có những dự án lớn nhưng đánh giá tác động môi trường không bằng luận văn tốt nghiệp của một sinh viên”, TS Nguyễn Thành Sơn chia sẻ.  

Đánh giá tương quan giữa hiệu quả khai thác với vấn đề tác động tới môi trường, TS Nguyễn Thành Sơn khẳng định: “Mất nhiều hơn được. Khoáng sản càng để lại trong lòng đất càng có giá trị. Không nói tới những khoáng sản quý mà đơn giản như than, nếu trước đây chúng ta không ồ ạt xuất khẩu thì nay đâu phải nhập khẩu”. 

“Ở Việt Nam, tài nguyên khoáng sản không nhiều như chúng ta tưởng, cho nên, nếu khai thác bừa bãi, vô tội vạ sẽ dẫn tới lãng phí, tổn thất tài nguyên. Ví dụ, đá trắng ở Nghệ An rất quý, có thể sử dụng làm mỹ phẩm, giá trị xuất khẩu rất cao nhưng thông qua việc cấp phép bừa bãi, không có kế hoạch, chúng ta lại khai thác để mang đi rải đường”, TS Nguyễn Thành Sơn cho hay. 

Theo các chuyên gia, khai khoáng là một trong những ngành công nghiệp phức tạp, đòi hỏi mức độ minh bạch cao và trình độ quản lý tốt. Trên thực tế, khai khoáng cũng đối mặt với nhiều thách thức như vấn đề tham nhũng, trốn thuế, quản lý nguồn thu thiếu hiệu quả và gây các tác động tiêu cực đối với môi trường và xã hội. Thực trạng này là hệ lụy của việc cấp phép tràn lan và thiếu kiểm soát.

Theo các chuyên gia, để giải quyết những vấn đề trên, Việt Nam cần nâng cao mức độ minh bạch trong quản lý tài nguyên khoáng sản từ cấp phép, giám sát khai thác đến quản lý nguồn thu. Các chuyên gia khuyến nghị, phải thiết lập một quỹ để tái tạo về tài nguyên, môi trường từ nguồn tiền thuế thu được do khai thác khoáng sản.