Khai thác hay vơ vét?

ANTĐ - Lần đầu tiên nước ta diễn ra cuộc hội thảo “Tổ chức kiểm toán đối với hoạt động quản lý, khai thác và kinh doanh tài nguyên khoáng sản”, trong khi đã có quá nhiều sai phạm trong lĩnh vực này. Hậu quả là ngân sách thất thu, tài nguyên quốc gia bị thất thoát, cạn kiệt. Đặc biệt là tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc trực tiếp vào Việt Nam để khảo sát mỏ, thậm chí đầu tư vốn, máy móc và công nghệ cho doanh nghiệp nước ta, khai thác khoáng sản rồi thu mua với giá cao và xuất lậu sang Trung Quốc.

Kiểm toán trưởng chuyên ngành thuộc Kiểm toán Nhà nước thừa nhận một thực tế đáng lo ngại là nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm khai thác những chỗ “nạc” ngon ăn trước, chỗ “xương xẩu” thì để lại hoặc không tận thu. Có doanh nghiệp sau khi “hết nạc vạc đến xương”. Một số doanh nghiệp được cấp phép nhưng không tự khai thác mà thuê công ty bên ngoài khai thác.

Phó Cục trưởng Cục CSĐT về TTQLKT&CV cảnh báo có quá nhiều kẽ hở cho buôn lậu, gian lận khoáng sản. Vì vậy các chủ nợ đã lợi dụng khai thác vượt công suất được cấp phép, để ngoài sổ sách sản phẩm thu được, sau đó tìm cách tuồn ra ngoài cho các đầu nậu xuất lậu sang Trung Quốc.

Đó là chưa kể tình trạng dân địa phương tổ chức trộm cướp khoáng sản của chủ mỏ để bán cho các chủ đầu nậu diễn ra công khai tại Đông Triều, Quảng Ninh, Phù Cát, Bình Định. Các địa phương hầu như bó tay không thể kiểm soát nổi. Đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng buôn lậu than đá rất phức tạp trên tuyến đường thủy các tỉnh phía Bắc và vùng biển Đông Bắc sang Trung Quốc. Nguồn than lậu chủ yếu là than “thổ phỉ” sau đó vận chuyển xuống các bến bãi của tư nhân. Than do các doanh nghiệp khai thác hợp pháp nhưng được móc nối, thông đồng tuồn ra ngoài. Ngay cả than dùng cho các nhà máy nhiệt điện, xi măng, đạm cũng bị rút sản lượng rồi tập kết lại xuất lậu sang biên giới. Đáng báo động là các khoáng sản như sắt, mangan, chì, thiếc, kẽm… cũng được chủ đầu nậu dùng hồ sơ vận chuyển, mua bán nội địa để tập kết tại các “căn cứ” sát biên giới rồi tìm cách thẩm lậu sang Trung Quốc.

Không quá khó để “vạch mặt” ba dạng doanh nghiệp gây ra tình trạng này. Đó là những doanh nghiệp được Bộ Tài nguyên - Môi trường và tỉnh cấp phép khai thác, song không đầu tư nhà máy chế biến mà tìm cách bán quặng thô để kiếm tiền. Doanh nghiệp mua lại khoáng sản từ các doanh nghiệp được cấp phép để xuất chui sang Trung Quốc do họ có đường dây trực tiếp với các ông chủ Trung Quốc. Ba là doanh nghiệp vận tải, xuất lậu thẳng qua biên giới.

Theo đánh giá của giới chuyên gia mỏ - địa chất, với tốc độ gia tăng khai thác khoáng sản được phép và trái phép như hiện nay, chỉ trong vòng vài chục năm nữa, tài nguyên khoáng sản nước ta sẽ khan hiếm, cạn kiệt. Kiểm toán việc quản lý, khai thác và kinh doanh lĩnh vực này không chỉ đơn thuần đánh giá cái được và chưa được. Khai thác tài nguyên quốc gia hay “moi ruột”, vơ vét? Cái “được” là gì, hiện tại đã thấy rõ không cần phải đợi đến lúc trắng tay, “rỗng ruột”, môi trường xơ xác mới có câu trả lời.

Tin cùng chuyên mục