Khai quật quy mô lớn tại công trình bằng đá "độc nhất vô nhị" của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Bộ VH-TT&DL đã cho phép Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ quy mô lớn, lên tới 17.000 m2 tại khu vực bên trong Thành nội Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. 

Thời gian khai quật từ ngày 19/3/2021 đến ngày 31/12/2021; diện tích khai quật là 17.000m2, trong đó: Vị trí khu vực Thành nội (trung tâm) là 15.000m2; vị trí Tây Bắc Thành nội là 2.000m2.

Bộ VH-TT&DL yêu cầu, trong thời gian khai quật, cơ quan được cấp giấy phép là Sở VH-TT&DL Thanh Hóa cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ, Sở VH-TT&DL Thanh Hóa có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Sau khi kết thúc đợt khai quật, Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa và Viện Khảo cổ học phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật trong thời gian chậm nhất 1 tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất 1 năm, gửi về Bộ VH-TT&DL. Trước khi công bố kết quả của đợt khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa.

Thành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc. Đây là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam. Được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, thành này còn được gọi là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long - Hà Nội). Xây xong thành, Hồ Quý Ly đã dời đô từ Thăng Long về Tây Đô.

Trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng của cung điện xưa giờ vẫn đang nằm ẩn mình phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng. Ngày 27/6/2011, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp), thành nhà Hồ đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới.