Khách quốc tế giảm do "mùa vụ"

ANTĐ - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 9-2015 ước đạt 626.324 lượt, giảm 5,8% so với tháng 8-2015. 
Khách quốc tế giảm do "mùa vụ"  ảnh 1

Khách quốc tế khám phá vẻ đẹp vịnh Hạ Long - một trong nhiều địa điểm tuyệt đẹp của Việt Nam

Sau 2 tháng lượng khách tăng liên tiếp, nhiều người đã có chút lạc quan cho du lịch nước nhà, những tưởng lượng khách du lịch sẽ vẫn tiếp tục theo đà đi lên thì thực tế lại cho thấy điều ngược lại. Con số thống kê cũng cho thấy, bên cạnh sự tăng nhẹ của một số thị trường như Hàn Quốc, Hồng Kông, Tây Ban Nha… lượng khách đến từ các nước láng giềng và một số thị trường tiềm năng đều giảm mạnh.

Cụ thể, lượng khách Campuchia giảm 43,5%; Thái Lan giảm 27,6%; Lào giảm 25,9%; Trung Quốc giảm 18,2%; Indonesia giảm 13,2%; Nga giảm 10,6%… so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, khi chia sẻ những nguyên nhân về việc lượng khách quốc tế “bỗng dưng” sụt giảm trong tháng 9 vừa qua, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch lại không hề tỏ ra lo lắng.

Ông phân tích, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 9 tuy giảm so với tháng trước đó nhưng lại tăng 8,3% so với tháng 9-2014, tổng thu từ du lịch tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2014. Ông Hà Văn Siêu cũng cho rằng, việc lượng khách quốc tế giảm trong tháng 9 không có gì bất thường vì đây là tháng “giao mùa” của du lịch, phần lớn các năm trước đều xảy ra hiện tượng này. Bước vào những tháng cuối năm, mùa cao điểm của khách quốc tế thì con số sẽ tăng trở lại.

Dù vậy, có thể nhận thấy, tuy được coi là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn nhưng thời gian qua, du lịch Việt Nam vẫn chưa có những bước phát triển tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan là tháng “giao mùa”, sự ảm đạm của kinh tế thế giới… cũng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam yếu hơn so với các nước trong khu vực chính là do các yếu tố nội tại như chất lượng dịch vụ chưa đồng đều, tính kết nối giữa các ngành, đơn vị liên quan chưa tốt, hiệu quả từ công tác xúc tiến du lịch còn rất hạn chế.

Hiện tượng nâng giá tùy tiện, đeo bám, gây phiền hà cho khách du lịch; hành vi ném đất, đá lên tàu, xe, gây mất an toàn cho khách… dù đã bị lên án nhiều nhưng vẫn còn tồn tại. Các sản phẩm du lịch chưa được khai thác, quảng bá một cách chuyên nghiệp và ngay cả chương trình kích cầu du lịch quốc tế lớn dành cho 6 thị trường được miễn thị thực (5 nước Tây Âu và Belarus) vừa qua cũng không hề đưa ra một ưu đãi cụ thể nào. Toàn bộ chỉ là những thông báo chung chung như “đưa ra mức giá kích cầu hấp dẫn”; “giảm từ 20-30% so với sản phẩm thông thường”…

Chỉ cần làm một phép so sánh với sự nỗ lực vượt khó của du lịch Hàn Quốc trong thời gian qua để có thể dễ dàng nhận thấy sự cách biệt. Đối mặt với hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS), ngay lập tức, Hàn Quốc đã đưa ra nhiều giải pháp hút khách mạnh mẽ và thiết thực như giảm mua tours trực tiếp 1 triệu đồng/ khách, tặng quà là phiếu mua hàng, miễn thị thực cho khách du lịch, một số di tích miễn phí vé tham quan… Với những giải pháp cụ thể, đồng bộ, chỉ trong 3 tháng, ngành du lịch Hàn Quốc gần như đã phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề của dịch MERS.

Còn với du lịch Việt Nam, rất nhiều hội thảo, tọa đàm, nhằm “bắt bệnh”, “bốc thuốc” cho ngành kinh tế không khói đã được tổ chức nhưng thực tế, lượng khách quốc tế vẫn “trồi, sụt” theo mùa vụ giống như người làm nông nghiệp.