Khách nâng ngực tử vong, chủ phòng khám chở đến nơi bán quan tài nhờ mai táng sẽ bị xử lý ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cách đây ít ngày, chị N.T.T (30 tuổi) đến phòng khám của ông P.Đ.H. (59 tuổi, ở quận Bình Tân, TP.HCM) để phẫu thuật nâng ngực. Quá trình phẫu thuật, cô gái này tím tái, khó thở rồi tử vong. Sau đó, chủ phòng khám đã chở thi thể cô gái đến một cửa hàng bán quan tài ở Trà Vinh nhờ khâm liệm, mai táng.

Sự việc này khiến dư luận đặt câu hỏi, trách nhiệm pháp lý của chủ phòng khám được xác định ra sao?

Đáng buồn, sự việc trên không phải hi hữu. Trước đó, Cơ quan CSĐT - CATP.HCM đã hoàn tất thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Đinh Viết Hưng - 46 tuổi, ở quận 10, TP.HCM - để điều tra về hành vi vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.

Ông Đinh Viết Hưng là bác sĩ, người phẫu thuật đặt túi ngực cho nữ khách hàng V.N.A.T. - 33 tuổi - vào tháng 10-2019 tại Bệnh viện thẩm mỹ Emcas - đường Hoàng Dư Khương, quận 10, TP.HCM - làm nữ khách hàng tử vong.

Về ca tử vong của chị N.TT, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo Nghị định 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ, dịch vụ nâng ngực chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Do đó, để xác định trách nhiệm của chủ phòng khám cần làm rõ một số nội dung như phòng khám có được phép thực hiện dịch vụ nâng ngực? Chủ phòng khám có chứng chỉ hành nghề và đáp ứng điều kiện để thực hiện dịch vụ? Khi xảy ra sự cố, chủ phòng khám có thực hiện đúng quy trình cấp cứu nạn nhân?....

Trường hợp phòng khám và người thực hiện phẫu thuật nâng ngực không đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định mà vẫn nâng ngực cho khách khách hàng gây hậu quả nghiêm trọng, chủ phòng khám có thể bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác theo Điều 315 BLHS 2015.

Theo đó, người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác dẫn đến làm chết người thì bị phạt tù từ 1-5 năm.

Nếu nguyên nhân tử vong là do sai sót nghiệp vụ trong phẫu thuật nâng ngực, chủ phòng khám có thể bị xử phạt 1-5 năm tù về tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính theo Điều 129 BLHS 2015.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ hành vi đưa nạn nhân đến của hàng bán quan tài nhờ mai táng của chủ phòng khám. Nếu có đủ căn cứ cho rằng việc làm này nhằm mục đích trốn tránh, che giấu hành vi phạm tội, người vi phạm sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng theo điểm p, khoản 1, Điều 52 BLHS 2015 - Luật sư Hồng Vân nhận định.

Ngoài ra, với hành vi này, chủ phòng khám cùng con gái còn có thể bị xử lý hình sự về tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt theo Điều 319 BLHS 2015 nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Theo đó, người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Vì động cơ đê hèn…thì bị phạt tù từ 2-7 năm.