Khách hàng quẹt thẻ tín dụng cũng cần cơ cấu nợ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các khoản nợ thẻ tín dụng tuy rất nhỏ nhưng khách hàng cũng khó xoay sở trả đúng hạn trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải áp dụng lệnh giãn cách xã hội thời gian dài. Do vậy, đối tượng khách hàng này cũng cần được giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Khoản nợ nhỏ cũng thành khó trả

Chị Bùi Thanh Dung, một giáo viên mầm non tại Hoàng Mai, Hà Nội cho biết vào tháng 6 vừa qua, do phải nghỉ dạy, không có thu nhập nên chị có quẹt thẻ tín dụng để mua một chiếc laptop gần 9 triệu đồng phục vụ các con học và thi online.

Theo quy định, khoản tiền vay này của chị sẽ được miễn lãi trong vòng 45 ngày, chị dự định trong thời gian này sẽ làm thêm các công việc khác để có thu nhập trả dần.

Đến cuối tháng 7, chị đã trả được hơn 4 triệu đồng, tuy nhiên sau khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì chị phải nghỉ làm hoàn toàn, không có thu nhập. Số nợ còn lại trong thẻ tín dụng của chị đang phải chịu mức lãi suất khá cao, lên tới gần 3%/tháng.

Chị Dung lo lắng với tình hình dịch bệnh kéo dài như hiện nay có thể chị sẽ không xoay sở đủ để trả nợ đúng hạn, do vậy sẽ phải chịu lãi phạt rất cao, không chỉ vậy còn có nguy cơ bị chuyển sang nợ xấu.

“Các ngân hàng đã giảm lãi, khoanh nợ cho nhiều khoản vay nhưng những khách hàng nhỏ lẻ như chúng tôi vẫn chưa được hưởng chính sách. Tôi rất mong ngân hàng sẽ có chính sách giảm lãi, hoãn trả nợ cho những khách hàng cho chúng tôi để vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Có thể nói, những khoản chi tiêu bằng thẻ tín dụng thường là những khoản tiêu dùng rất nhỏ. Với thời gian miễn lãi từ 45 – 55 ngày và số tiền phải trả tối thiểu hàng tháng theo tỷ lệ khoản vay là không nhiều thì việc trả nợ đúng hạn là không khó với khách hàng. Tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài, thu nhập của người dân giảm rất mạnh, nhiều người mất hoàn toàn thu nhập nên khả năng trả nợ bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong khi đó, sau thời gian đến hạn thanh toán, số tiền còn nợ của khách hàng sẽ phải chịu lãi suất cao hơn khá nhiều so với lãi suất ngân hàng, dao động khoảng 2-3,5% tùy ngân hàng. Hàng tháng, khách hàng phải thanh toán một khoản tối thiểu, nếu không thanh toán được khoản này thì sẽ bị tính lãi phạt, thông thường lên tới trên 5%/tháng...

Với mức lãi suất tương đối cao như vậy, số nợ của khách hàng sẽ tăng đáng kể. Và nếu sau một thời gian không thanh toán đúng hạn, khách hàng sẽ bị chuyển nợ xấu, ảnh hưởng đến việc tiếp cận các khoản tín dụng mới trong tương lai.

Nhiều khách hàng dùng thẻ tín dụng đang gặp khó nếu không được cơ cấu nợ (Ảnh minh họa)

Nhiều khách hàng dùng thẻ tín dụng đang gặp khó nếu không được cơ cấu nợ (Ảnh minh họa)

Nên cơ cấu nợ cho các khoản vay tiêu dùng, thẻ tín dụng

Thực tế trong vòng 10 năm trở lại đây, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam tăng trưởng mạnh. Dư nợ tín dụng tiêu dùng cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, gấp 2,5 lần so với năm 2012 (khoảng 8%).

Các ngân hàng, vị vậy đã rất quan tâm đến bán lẻ, phát triển các sản phẩm dịch vụ khách hàng cá nhân. Dù là phân khúc rủi ro cao nhưng tín dụng tiêu dùng đã trở thành “gà đẻ trứng vàng” của nhiều ngân hàng, khi lãi suất vay luôn ở mức cao hơn nhiều so với cho vay khách hàng doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, không chỉ doanh nghiệp thiệt hại mà người lao động cũng là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp do mất việc làm, giảm thu nhập.

Thế nhưng, hiện nay các ngân hàng đa phần mới chỉ quan tâm đến việc giảm lãi suất, khoanh nợ cho các khách hàng có khoản vay lớn, khách hàng doanh nghiệp mà bỏ quên các khách hàng cá nhân vay tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, sở dĩ vậy vì lượng khách hàng cá nhân của mỗi ngân hàng tuy rất đông, nhưng lại phân tán, nhỏ lẻ nên họ không thể tập hợp có tiếng nói chung để yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ như các doanh nghiệp.

Trong góp ý sửa đổi Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu nợ đối với cả dư nợ thẻ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo Hiệp hội này, với xu hướng không dùng tiền mặt như hiện nay thì thẻ tín dụng là một hình thức cấp tín dụng rất phổ biến. Đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì việc tăng cường sử dụng biện pháp thanh toán không dùng tiền mặt là rất cần thiết. Thực tế số lượng các khách hàng cá nhân sử dụng thẻ tín dụng cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Còn theo Nghị quyết số 88/NQ-CP, Chính phủ cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, Chính phủ đề nghị các TCTD quan tâm hỗ trợ các đối tượng khách hàng có khoản vay nhỏ đang rất khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh.