Khắc phục vỉa hè tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu: Người dân thấy hợp lý

ANTĐ - Một đoạn hè mẫu trên tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu đã được làm xong. Sau khi người dân và các cơ quan chuyên môn cùng đồng thuận, việc chỉnh sửa sẽ được áp dụng trên toàn tuyến  Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu.

Người dân đồng tình với phương án xử lý cao độ hè tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu

Phải thuận tiện cho người dân

Ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, chủ đầu tư dự án đường vành đai I, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu cho biết, đến ngày 7-7, công tác khắc phục một số đoạn vỉa hè hư hỏng đã cơ bản hoàn thành. Tuyến vành đai I, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, có 990m hè; có gần 170m2 hè (trên tổng số 6.400m2, chiếm khoảng 2,5% tổng diện tích) bị hỏng do các hộ dân thi công công trình nhà ở (cho máy xúc lên hè để đào móng hoặc tập kết ô tô chở vật liệu, phế thải lên hè...) cũng đã sửa chữa xong.

Hiện nay, chủ đầu tư đang tiếp tục phối hợp với các sở ngành, chính quyền địa phương và người dân kiểm tra, phát hiện các tồn tại (nếu có) để khắc phục kịp thời. Theo kế hoạch thống nhất với Sở GTVT - đơn vị nhận bàn giao công trình sau khi hoàn thành, cuối tháng 7-2014, Sở GTVT sẽ kiểm đếm, kiểm tra hạng mục vỉa hè và tiếp nhận khi công trình đảm bảo chất lượng, đúng thiết kế theo quy định. Nhà thầu sẽ tiếp tục bảo hành hạng mục vỉa hè 12 tháng kể từ khi chính thức đưa vào sử dụng.

Về xử lý cao độ hè để tạo thuận tiện cho người dân dắt xe máy lên xuống, chủ đầu tư đã tổ chức thiết kế điều chỉnh viên vỉa và hạ hè cục bộ. Trong đó, khu vực các hộ dân được xử lý bằng việc lắp đặt các viên vỉa có độ dốc thích hợp, thuận lợi cho xe lên xuống. Đoạn hè mẫu, dài hơn 10m đã làm xong từ tối 6-7. Dự kiến, đến ngày 20-7, có thể hoàn thành việc hạ hè trên toàn tuyến.

Bán hàng ngay trước đoạn hè vừa được chỉnh sửa, chị Chu Bích Thúy, 40 Đông Các (phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa) đánh giá, việc hạ bớt độ cao viên vỉa như đơn vị thi công đã làm là “hợp lý”. “Vỉa hè cao quá, người dân không đưa xe máy vào nhà được nên phải kê gạch, đá, bê tông hay thang sắt trông rất nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Nay, nếu hạ bớt xuống như thế, phụ nữ cũng đưa được xe tay ga lên thì quá tốt rồi” - chị Chu Bích Thúy nói.

Ngày 7-7, ông Phạm Văn Viên, Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa cho biết, đa số người dân đồng tình với đoạn hè mẫu đã sửa. Tuy nhiên, việc chỉnh sửa chỉ đưa ra áp dụng trên toàn tuyến sau khi được các cơ quan chuyên môn đồng ý.

Đoạn hè đầu tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa bị chiếm dụng để vật liệu xây dựng

Siết lại quản lý

Với đặc thù đường nội thành, nhiều hộ dân bị cắt xén hoặc phá dỡ hoàn toàn sau GPMB, rất nhiều công trình nhà dân đã cải tạo hoặc xây dựng mới sau khi tuyến đường, vỉa hè đã cơ bản hoàn thành. Do đó, nếu quản lý không chặt, các hộ dân sẽ đưa các phương tiện thi công như máy xúc, máy đóng cọc, xe tải trọng lớn... chở vật liệu xây dựng leo lên làm hư hỏng hè. 

Ông Phạm Văn Viên cho biết, UBND phường yêu cầu các hộ dân xây dựng đều phải ký cam kết bằng văn bản với chính quyền về việc đảm bảo trật tự vệ sinh môi trường đô thị và không được phép làm hỏng vỉa hè. Các trường hợp làm hỏng vỉa hè đều phải hoàn trả lại đúng quy cách, thiết kế cũ sau khi xây dựng xong. “Sau GPMB, việc người dân xây dựng, cải tạo nhà là không thể tránh khỏi. Chúng tôi yêu cầu người dân trải bạt trên hè để đánh vữa nhưng thực tế là cũng có hộ ý thức kém làm bẩn vỉa hè. Các trường hợp này đều phải hoàn trả lại vỉa hè nguyên trạng sau đó. Cũng phải thông cảm với người dân vì họ không có nơi nào khác để xếp vật liệu xây dựng. Chỉ sau khi xong tầng 1, họ mới có thể chuyển vật liệu vào trong nhà được...” - ông Phạm Văn Viên nói.

Đồng tình phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị liên quan trong quản lý, sử dụng vỉa hè, ông Hà Anh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý đô thị - UBND quận Đống Đa cho biết: “Vai trò của quận, phường là giám sát xem việc chỉnh sửa vỉa hè có đúng chỉ đạo của TP hay không. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong giai đoạn này để đảm bảo thuận tiện trong quản lý sau này khi quận được bàn giao...”.