Khắc phục hậu quả, đảm bảo an toàn cho du khách nơi có tuyết rơi

ANTĐ - Khác với Sa Pa (Lào Cai) hay đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) là những nơi đã từng có “kinh nghiệm” chứng kiến hiện tượng tuyết rơi thì ở một số điểm du lịch như Mộc Châu (Sơn La), Yên Tử (Quảng Ninh) hay đặc biệt là tại khu vực Vườn Quốc gia Ba Vì (Hà Nội), việc xảy ra băng tuyết là khá bất thường. 

Khắc phục hậu quả, đảm bảo an toàn cho du khách nơi có tuyết rơi ảnh 1Mộc Châu chìm trong bức màn trắng xóa

2.500 du khách lên Ba Vì ngắm tuyết 

Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Nguyễn Phi Truyền, Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì thì tuyết bắt đầu rơi từ đêm 24-1. Theo ông Truyền, tuyết không ngừng rơi ở nhiều nơi, đặc biệt là từ khu vực cốt 800 trở lên - đoạn nhà thờ cổ Ba Vì. Cùng với đó, ở độ cao 1.100m tuyết rơi dày đặc, xấp xỉ 1-2cm. Nhiệt độ ghi nhận được tại khu vực đền thờ Bác Hồ (độ cao 1.296m) có lúc chạm ngưỡng 2 độ C. “Tuyết rơi là hiện tượng chưa từng có ở Vườn Quốc gia Ba Vì. Trước đây, vào thời điểm lạnh nhất, tại khu vực đền thờ Bác Hồ, bề mặt nước chỉ bị đông lại một chút chứ không có tuyết như thế này” - ông Nguyễn Phi Truyền cho biết.

Uớc tính trong ngày 24-1 có khoảng 2.500 du khách lên Ba Vì ngắm tuyết, chủ yếu tập trung vào buổi chiều và tối. Tuy nhiên, theo đại diện của Vườn Quốc gia Ba Vì, đến ngày 25-1, nền nhiệt độ tại vùng núi Ba Vì đã nhích dần lên. Về cơ bản tuyết đã ngừng rơi nhưng trên lối đi, các bậc thang, các nhánh cây, ngọn cỏ… vẫn còn tuyết đọng trắng xóa từ hôm trước. Sáng qua 25-1, vẫn còn đông người tập trung tại khu vực Vườn Quốc gia Ba Vì để ghi lại những khoảnh khắc băng tuyết hiếm hoi. 

Tại khu vực Yên Tử, Quảng Ninh, người dân cũng chào đón hiện tượng tuyết phủ hiếm gặp. Nhiều khách đi hành hương đã ngỡ ngàng khi thấy đỉnh chùa Đồng bị bao phủ bởi một lớp băng đá. Còn trên cao nguyên Mộc Châu, Sơn La, theo ghi nhận, tuyết rơi lác đác từ đêm và chỉ vài giờ đã phủ trắng mọi vật. Nhiều điểm như xã Vân Hồ, xã Tân Lập chứng kiến tuyết rơi dày nhất, khoảng 1-2cm, nhiệt độ xuống đến âm 2 độ C. Những bông tuyết trắng lung linh cùng với màu trắng tinh khôi của hoa cải, đặc biệt là tại khu vực bản Lùn và bản Sò Lườn, xã Mường Sang - nơi có ruộng hoa cải trắng tít tắp tạo nên  vẻ thơ mộng, quyến rũ của núi rừng Tây Bắc. 

Khắc phục hậu quả, đảm bảo an toàn cho du khách nơi có tuyết rơi ảnh 2

Tuyết phủ trắng lối lên đền Thượng, Ba Vì

Các khu du lịch thiệt hại không nhỏ

Ông Ngô Thành Đạo - Ban Quản lý du lịch Mộc Châu đánh giá, hiện tượng băng tuyết tuy không ảnh hưởng nhiều đến các khu vực chăn nuôi nhưng ảnh hưởng khá lớn đến các điểm du lịch, trong đó có rừng mận ở khu vực rừng thông bản Áng hay đường lên cửa khẩu Lóng Sập. Đây là thời điểm mùa hoa mận đẹp nhất nhưng việc tuyết rơi bất thường đã khiến cho băng đá bọc kín các cành cây, nhiều cây hoa bị rụng. Bên cạnh đó, tuy không bao phủ dày đặc nhưng tuyết kèm mưa đã khiến các ngả đường lên Mộc Châu bị trơn trượt. Đặc biệt việc sương mù làm giảm tầm nhìn gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, du khách. Nhất là ở những khúc cua, du khách được khuyến cáo là đi chậm và đúng làn đường để hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra tai nạn.

Theo ông Nguyễn Phi Truyền, tuyết rơi đã gây thiệt hại không ít cho thảm thực vật tại Vườn Quốc gia Ba Vì. “Các cành lá cây bị tuyết bám, đặc biệt một số cây thân thảo, cây dược liệu bị mềm rũ xuống, thâm tím hết. Một số cây dương xỉ, chúng tôi mất rất nhiều công để trồng, tạo cảnh quan thì đều có nguy cơ bị héo, chết do những bông tuyết to bằng nắm tay bám vào, khả năng thiệt hại nhiều” - ông Nguyễn Phi Truyền chia sẻ.

Mặt khác, khách du lịch đến Vườn Quốc gia Ba Vì được khuyên là nên giữ ấm, không đi giày cao gót tránh đường trơn, trượt ngã. Đặc biệt, không đứng dưới các cành cây, gốc cây, nơi băng tuyết bao phủ để tránh nguy hiểm, đồng thời đi chậm, tuyệt đối không tắt máy thả trôi xe. Ngay sau khi có thông tin tuyết rơi, cán bộ của Vườn Quốc gia Ba Vì đã đi khảo sát, đo lường và khắc phục những hậu quả do tuyết gây ra, đảm bảo an toàn cho du khách tham quan.