Kêu ca mãi cũng nhạt!

ANTĐ - Nóng nôi thế này, ngày mất ăn đêm mất ngủ, sáng nào đến cơ quan mà gặp “sếp” đang có “tâm trạng” rồi “giận cá chém thớt”, đồng nghiệp mặt nặng mày nhẹ thì coi như sống trong địa ngục, chiều về nhà vợ hỏi tiền lương, con xin tiền học, điện nước phập phù thì thêm vài tầng địa ngục nữa. Đời quá khổ!

- Ông kêu ca đủ chưa, mà kêu thế có đỡ khổ hơn không?

- Kêu với ai, chẳng qua là thấy ông có vẻ cùng hoàn cảnh nên nói vài câu cho đỡ bức xúc, chứ bây giờ phận ai nấy lo, ai hơi đâu để ý đến sự kêu của mình.

- Thì thế, nhưng ông thử nhìn vấn đề một cách tích cực đi, có khi lại hay hơn.

- Ví dụ?

- “Sếp” nóng với mình có nghĩa là còn để ý đến mình, muốn mình tiến bộ, vợ con hỏi tiền có nghĩa là mình còn có chút vai trò trong gia đình, mất điện thì có dịp ra hồ Tây hóng gió, nhỡ gặp bà sồn sồn nào đồng cảm thì đời một phút lên tiên.

- Lý sự không cùn lắm, nhưng có vẻ khó mà lật ngược được vấn đề như thế. Ông có cách nào hay ho không?

- Cũng tùy trường hợp, tuy nhiên có vài việc có thể làm ngay được. Tỷ như thấy báo chí phát hiện nội tạng thối nhập lậu là bỏ ngay món lòng lợn, cháo tim gan, thấy nói hoa quả Trung Quốc chứa hóa chất độc hại là “cạch” ngay, không chờ kết luận của cơ quan chức năng, thấy thiên hạ kêu ca về chuyện xếp hàng suốt đêm để xin cho con vào Mầm non, lớp 1 là mình “đầu tư chiều sâu” cho con cháu từ ngày chúng vài ba tuổi…

- Và không ốm để khỏi phải xếp hàng chen chúc trong bệnh viện?

- Hì, hì, ốm đau thì chả biết thế nào, nhưng đại loại thế, nghĩa là không kêu ca vì có kêu cũng chẳng được, tự mình phải biết dự báo để mà giải quyết dần.

- Nghe có lý, khi nhìn xung quanh đúng là có việc kêu lắm mỏi mồm, nhưng có phải việc nào cũng tự mình giải quyết được đâu, ông bảo phải làm sao?

- Ông hỏi tôi, tôi biết hỏi ai? Thế nhé, nẫu ruột lắm!