Kết thúc đợt thi ĐH, CĐ cuối cùng

ANTĐ -  Tin từ Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ Bộ GD-ĐT, chiều 15-7, 297.447 thí sinh đã dự thi môn thứ 2 Toán khối A, A1, B, D và môn Lịch sử khối C theo hình thức tự luận. Do đây là đợt thi có nhiều khối thi nhất nên Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường nghiêm túc thực hiện chỉ đạo về bảo mật đề thi tránh các sai sót có thể xảy ra như nhầm lẫn đề môn thi đã từng xảy ra các năm trước. 

Bộ GD-ĐT yêu cầu nâng cao trách nhiệm trong buổi thi ĐH, CĐ cuối cùng ngày 16-7

Cuối ngày 15-7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu. Không khí ở các Hội đồng thi trên phạm vi toàn quốc nhìn chung trật tự, an toàn. Trong buổi thi, có 42 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách 3, cảnh cáo 1, đình chỉ thi 37, không được dự thi do đến muộn 1) và không có cán bộ bị xử lý kỷ luật.

Đáng chú ý với thí sinh dự thi ĐH khối C năm nay là ngày 15-7, Bộ GD-ĐT chính thức công bố điều chỉnh đáp án môn Sử khối C, đề thi ĐH năm 2012 theo hướng có lợi cho thí sinh. Cụ thể, ở câu số 4a “Khái quát chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kỳ Chiến tranh lạnh”, đáp án được điều chỉnh cụ thể: Phần từ năm 1952 đến năm 1973: Nhật Bản tiếp tục liên minh chặt chẽ với Mỹ. Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật được kéo dài vĩnh viễn (0,5 điểm). Năm 1956, Nhật Bản đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Liên Xô và tham gia Liên hợp quốc (0,5 điểm).

Theo đáp án cũ, thí sinh trả lời cả hai phần này cũng chỉ được 0,5 điểm. Thí sinh nào nêu được nội dung: “Tuy vậy, phong trào nhân dân Nhật Bản chống Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật lên cao, phong trào chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và các cuộc đấu tranh theo mùa… luôn diễn ra mạnh mẽ” mới có thêm 0,5 điểm nữa. Phần từ năm 1973 đến năm 1989 được điều chỉnh: “Với tiềm lực kinh tế tài chính ngày càng lớn mạnh, Nhật Bản bắt đầu đưa ra chính sách đối ngoại mới, thể hiện qua học thuyết Phucưđa (1977)” (0,5 điểm). Theo đáp án trước đây, ngoài học thuyết Phucưđa thí sinh phải nêu được cả học thuyết Kaiphu, cụ thể là: “Với tiềm lực kinh tế tài chính ngày càng lớn mạnh, Nhật Bản bắt đầu đưa ra chính sách đối ngoại mới, thể hiện qua các học thuyết Phucưđa và Kaiphu”.