Kết quả nổi bật tại Hội nghị Thượng đỉnh G20

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2021 tại Thủ đô Rome của Italia đã ghi nhận những tín hiệu lạc quan về sự phục hưng của chủ nghĩa đa phương.

Đây là Hội nghị Thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của các nhà lãnh đạo G20 sau 2 năm bị gián đoạn do đại dịch Covid-19. Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị đã tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc song phương bên lề, nhưng không kém phần quan trọng so với những phiên thảo luận chung của hội nghị.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng 16 nhà lãnh đạo các nước khác trên thế giới ngày 31-10 đã thảo luận cách thức nhằm củng cố chuỗi cung ứng để ứng phó tốt hơn khi đối mặt với bất kỳ cuộc khủng hoảng y tế nào trong tương lai, cũng như tình trạng biến đổi khí hậu, thậm chí các cuộc tấn công được lên kế hoạch trước. Các vấn đề về chuỗi cung ứng nổi lên khi nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi tình trạng suy thoái do đại dịch Covid-19 và các vấn đề này đang đe dọa làm chậm tiến trình phục hồi.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh: “Chúng ta cần hành động ngay bây giờ, cùng với các đối tác của chúng ta trong lĩnh vực tư nhân, nhằm giảm bớt những vấn đề còn tồn tại mà chúng ta đang đối mặt. Sau đó, chúng ta phải ngăn chặn tình trạng này tái diễn trong tương lai”.

Tổng thống Biden cũng cho rằng đại dịch Covid-19 đã bộc lộ tính dễ bị tổn thương của dòng chảy thương mại toàn cầu khi hoạt động kinh doanh không thể trở lại bình thường. Tổng thống Mỹ Joe Biden, đại dịch hiện nay có thể chưa phải là cuộc khủng hoảng y tế mang tính toàn cầu cuối cùng do đó cần tăng cường khả năng ứng phó những tình huống tương tự trong tương lai, cũng như tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai, thậm chí các cuộc tấn công được lên kế hoạch từ trước.

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cởi mở và trao đổi thông tin có thể thúc đẩy khả năng ứng phó nhanh chóng nếu xảy ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, tương tự vấn đề về chuỗi cung ứng mà toàn cầu đang đối mặt hiện nay, và cho phép các nhà cung cấp khác trong chuỗi cung ứng có thể tham gia vào việc giảm thiểu những tác động trong lĩnh vực này. Theo tuyên bố, các nước cho rằng cần tránh bất kỳ sự hạn chế thương mại không cần thiết nào và duy trì dòng chảy tự do của hàng hóa và dịch vụ. Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh sự cần thiết của vấn đề an ninh, đặc biệt là chuỗi cung ứng công nghệ, điều kiện lao động công bằng và bền vững, đồng thời cho biết họ sẽ phối hợp với khu vực tư nhân để đạt được những mục tiêu này.