Kết luận độc tố trong hóa chất ngâm giá đỗ: Người dân vẫn phải chờ

ANTĐ - Tròn 1 tuần sau vụ ngăn chặn 80.000 ống hóa chất kích thích giá đỗ nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam, đơn vị trực thuộc Chi Cục QLTT Hà Nội vẫn đang loay hoay tìm kiếm, chưa “chọn” được cơ quan gửi mẫu xác định thành phần độc tố có trong các ống “thuốc” để đưa ra cảnh báo tới người tiêu dùng.

Chi Cục QLTT Hà Nội vẫn chưa “chọn” được cơ quan gửi mẫu xác định thành phần hóa chất

7 ngày chưa gửi được mẫu phân tích

Như Báo ANTĐ đưa tin, đêm 12, rạng 13-11, tổ công tác Đội 6 Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm (PCTP) về môi trường - CATP Hà Nội, phối hợp với Đội QLTT số 11 - Chi Cục QLTT Hà Nội phục kích, kiểm tra 2 xe ô tô tải, trọng tải 15 tấn chở đầy đỗ xanh nguyên hạt đang dừng đỗ ở phố Hà Huy Tập (huyện Gia Lâm). Quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe ô tô BKS 29C-215.28 do lái xe Trịnh Quang Doanh (SN 1981), ở Tiên Du, Bắc Ninh điều khiển chở 20 thùng chứa chất kích thích tăng trưởng (tương đương 80.000 ống, loại 2ml/ống). Toàn bộ số thuốc trên có in nhãn mác Trung Quốc, không có tem nhãn phụ, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Quá trình điều tra đến nay, lái xe khai nhận hàng chục nghìn ống chất kích thích sẽ giao cho các cơ sở sản xuất giá đỗ ở nhiều tỉnh, thành miền Nam.

Sáng 19-11, tròn 1 tuần sau khi sự việc được lực lượng công an phát hiện, Trung tá Phạm Giang Sơn - Đội trưởng Đội PCTP trong lĩnh vực Y tế, VSATTP (Đội 6), Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường thông tin: Đội QLTT số 11 - đơn vị ra quyết định tạm giữ, trưng cầu giám định 80.000 ống thuốc kích thích tăng trưởng vẫn chưa trả lời kết quả phân tích mẫu hóa chất trên. Xác nhận với PV ANTĐ cùng ngày, ông Lê Mạnh Hùng - Đội trưởng Đội QLTT số 11 cho hay: Những ngày qua đơn vị đã có công văn, trực tiếp cử cán bộ mang mẫu đến “gõ cửa” nhiều cơ quan (Trung tâm kiểm định và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật; Trung tâm khảo nghiệm giống, sản phẩm giống cây trồng và phân bón quốc gia; Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia, Cục trồng trọt - Bộ NN&PTTT; Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực 1 - PV) có chức năng phân tích, giám định song họ đều từ chối yêu cầu phân tích, kết luận loại hóa chất thu giữ thuộc nhóm phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật. Theo tìm hiểu của PV ANTĐ, trong ngày 19-11, Cơ quan QLTT sẽ tiếp tục liên hệ, gửi mẫu tới Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an trưng cầu giám định. 

“Trọng” phạt... xem nhẹ cảnh báo?

“Với người tiêu dùng, việc chờ các cơ quan chức năng kết luận 80.000 ống thuốc là phân bón - thuốc bảo vệ thực vật quan trọng hơn, hay việc các cơ quan chuyên môn sớm đưa ra khuyến cáo, cảnh báo về tác hại, thành phần độc tố trong lô thuốc này cấp bách hơn?” - Câu hỏi được chúng tôi đặt ra với chỉ huy Đội 6 Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường CATP Hà Nội. Về việc này, Trung tá Phạm Giang Sơn - Đội trưởng Đội 6 khẳng định: Quan điểm của Cảnh sát PCTP về môi trường là các cơ quan chuyên môn cần sớm trả lời dung dịch trong ống thuốc này có nằm trong danh mục hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm hay không, có chất gì gây hại với con người không; chưa cấp thiết phải phân tích, kết luận ngay nó là phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật. Theo tìm hiểu của PV ANTĐ, việc cơ quan QLTT trưng cầu xác định 80.000 ống hóa chất là phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật, thực chất phục vụ cho công tác nghiệp vụ của đơn vị là  chính (áp mức xử phạt vi phạm hành chính trong kinh doanh phân bón, hoặc thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu thường cao hơn các lỗi khác). Trường hợp, cơ quan xử lý không xác định được chủng loại hóa chất, người vận chuyển chỉ bị xử lý lỗi kinh doanh hàng nhập lậu chung chung, mức phạt thấp.  

Trả lời câu hỏi của PV ANTĐ về việc người sản xuất giá đỗ sử dụng các loại hóa chất này trong chế biến, sản xuất sẽ bị xử lý thế nào, đại diện cơ quan công an cho biết: Điều 7, Nghị định 91/2012/NĐ-CP ngày 6-11-2012 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP nêu rõ: Người nào sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng trong hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm bị phạt tiền từ 15-25 triệu đồng; phạt 30-50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm, kèm hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép kinh doanh.