Kênh giải trí dành cho người cao tuổi: "Miếng bánh" ngon nhưng "khó nuốt"!

ANTĐ - Ở Việt Nam, kể ra đối tượng khán giả cao tuổi cũng đủ để mở một kênh truyền hình riêng, song họ vẫn phải chịu tình trạng ít cái xem hoặc phải xem chung với khán giả trẻ. 

Kênh giải trí dành cho người cao tuổi: "Miếng bánh" ngon nhưng "khó nuốt"! ảnh 1Ngày càng ít phim dành cho lứa tuổi cao niên trên sóng truyền hình như “Mẹ chồng tôi”...

Thiếu chương trình phù hợp

Với VTV, đài truyền hình lớn nhất cả nước thì quanh đi quẩn lại cũng chỉ vài chương trình dành cho người cao tuổi như “Cây cao bóng cả”, “Vui - Khỏe - Có ích”, lác đác thêm vài chương trình mà người già có thể tham gia cùng với người trẻ là “Hãy chọn giá đúng”, “Ai là triệu phú” hoặc “Chiếc nón kỳ diệu”. Ở  các đài nhỏ hơn thì có chương trình “Chuyện kể lúc 0 giờ” (ANTV), “Chuyện tuổi già” (Đài PT-TH Hà Nội).

Còn lại, người cao tuổi tại Việt Nam vốn là đối tượng xem truyền hình nhiều nhất thì lại phải chịu tình trạng xem chung với khán giả trẻ. Từ phim nước ngoài đến các gameshow truyền hình thực tế mang tính giải trí, tuyệt nhiên không phải là chương trình có đặc thù riêng dành cho đối tượng trung niên theo dõi.

Thi thoảng những buổi diễn ca nhạc theo đề tài tri ân hoặc các dịp kỷ niệm, lễ lạt nào đó thì người cao tuổi mới có dịp thấy bản thân mình được thưởng thức một chương trình phù hợp với lứa tuổi và sở thích. Còn lại, chắc chỉ đến khi quảng cáo phát các loại thuốc hoạt huyết, bổ thận, chữa tóc bạc… thì đối tượng khán giả này mới thấy lứa tuổi mình đang được quan tâm.

Kênh giải trí dành cho người cao tuổi: "Miếng bánh" ngon nhưng "khó nuốt"! ảnh 2

Đạo diễn NSND Khải Hưng mong muốn có thể làm phim chiếu rạp
dành cho người già

Phim ảnh cũng hời hợt

“Phim chiếu rạp dành cho người già” là mong muốn từng được đạo diễn NSND Khải Hưng chia sẻ. Là “cha đẻ” của dòng phim truyền hình Việt, đạo diễn Khải Hưng đã có rất nhiều bộ phim dành cho đối tượng khán giả là người trung niên thưởng thức như: Lời nguyền của dòng sông, Không còn gì để nói, Mẹ chồng tôi…

Vị đạo diễn cũng đang ở tuổi cao niên này nhận định, mảng phim giải trí cho người từ 40 tuổi trở lên đang thiếu hụt nghiêm trọng tại Việt Nam trong khi đối tượng này mới chính là khán giả có thể chi trả kinh phí một cách tốt nhất để xem phim chứ không phải là đối tượng khán giả trẻ. Trong khi đó thì ở Mỹ hoặc các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… các rạp chiếu luôn có kênh phân loại đối tượng khán giả xem và các nhà làm phim đầu tư sản xuất phim dành cho khán giả trung niên đều đặn. 

Nói việc làm phim dành cho người cao tuổi là “miếng bánh” ngon cũng vì nhiều lẽ. Bởi đối tượng người xem này bắt đầu rảnh rỗi nên sẽ có thời gian để thưởng thức nghệ thuật, giải trí hoặc thỏa mãn sở thích của mình. Cùng với đó, họ có khả năng kinh tế và có cả sự trải nghiệm về cuộc sống lẫn tư duy sâu sắc để thưởng thức nghệ thuật. Các nhà làm phim quốc tế đều nhận ra điều đó và họ luôn coi trọng mảng thị phần giải trí dành cho người già, còn ở Việt Nam thì vẫn đang ở mức nhìn ra vấn đề “miếng bánh cũng ngon đấy” nhưng chẳng ai muốn làm. 

Đi tìm lời giải

Không khó để nhận ra có nhiều lý do dẫn đến việc thị phần giải trí dành cho người già bị bỏ ngỏ, trong đó phải kể tới tâm lý “ăn xổi” của các nhà sản xuất. Nói như lời một nhà làm phim kỳ cựu thì nhà đài luôn cần có những bộ phim, chương trình ăn khách, có tỷ suất người xem cao, đem về nhiều quảng cáo… trong khi về điều này thì cứ nhằm vào mảng giải trí là dễ nhất. Riêng với các phim làm để chiếu rạp thì lại chưa có nhà đầu tư nào sẵn sàng bỏ tiền ra để làm một bộ phim dành riêng cho khán giả trung niên hay cao tuổi, đơn giản vì đối tượng này không phải là những người có thói quen đến rạp xem.

Thói quen này thật ra đã từng có ở những năm thập niên 80, 90… khi truyền  hình chưa phủ sóng như bây giờ. Theo thời gian, họ chấp nhận với lối sống ở nhà hưởng thụ thay vì đi ra ngoài. Việc thay đổi thói quen cho một người đã khó, thay đổi thói quen cho cả một thế hệ thật không dễ dàng gì.

Không chỉ vậy, với các kênh truyền hình thì khán giả cao tuổi lựa chọn hình thức xem thụ động, miễn phí hoặc trả phí rất ít cho một kênh truyền hình nào đó hàng tháng. Kênh phát chương trình gì thì xem chương trình đó. Tuy nhiên Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số rất nhanh, từ 10 đến 20 năm nữa chúng ta sẽ có một tỷ lệ dân số già “hiện đại”.

Đó là lớp dân số được tiếp cận công nghệ thông tin, tiếp cận tinh hoa văn hóa toàn cầu và có một tầng ý thức, tư tưởng cởi mở, dễ tiếp thu hơn lớp dân số già hiện tại. Miếng bánh thị phần giải trí dành cho người già vẫn còn nguyên đó, liệu các nhà đài và các nhà làm phim có dám nghĩ xa và đầu tư cho tương lai?