Kẻ trốn trại và phát súng dưới hầm bí ẩn (Kỳ 1)

ANTD.VN - Đại tá Văn Ngọc Thi (tức Sáu Thi), Trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Đắk Lắk, nguyên là Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS). Năm 10 tuổi, Văn Ngọc Thi đã “lén” lấy trộm 8 quả lựu đạn của lính ngụy đem giao cho các cô chú Huyện đoàn trên vùng kháng chiến. Sau đó, anh “nhảy núi” theo cách mạng. Sau ngày giải phóng, từ Tây Sơn, Bình Định, anh được tăng cường lên Tây Nguyên, phiên chế vào Công an thị xã Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. ANTĐ Cuối tuần lần lượt kể lại những trận đánh sinh tử trong cuộc đấu tranh trấn áp tội phạm của Đại tá Văn Ngọc Thi cùng đồng đội.

Kẻ trốn trại và phát súng dưới hầm bí ẩn (Kỳ 1) ảnh 1Đồng chí Văn Ngọc Thi

Sáng 16-9-1981, 3 phạm nhân Phạm Thành Nhơn, Hà Văn Răng, Hồ Thành Vinh đã bỏ trốn khỏi Trại tạm giam Đắk Lắk. Trước đó, Nguyễn Minh Hải với hành vi cướp tài sản công dân cũng đã trốn thoát.

Trưởng Ty Công an Đắk Lắk Vũ Nhật Hồng hạ lệnh cho Phòng CSHS phối hợp với Công an thị xã Buôn Ma Thuột khẩn trương điều tra truy bắt những đối tượng trốn trại. Sau khi trốn trại, 4 đối tượng móc nối với Vũ Hải, Nguyễn Văn Điệu lấy cắp 2 khẩu súng AK, 1 khẩu AR15. Tối ngày 30-9, Vinh, Nhơn đi “xin” được 2 băng đạn AK. Băng cướp Phạm Thành Nhơn bắt đầu hoạt động. Thủ đoạn của băng cướp này rất tinh vi, chúng chia làm 2 nhóm, một nhóm giả làm khách đi đường lên xe lam ba bánh, một nhóm phục kích ở đoạn đường vắng, khi xe đến chúng chặn cướp. 

Vụ cướp đầu tiên chúng thực hiện vào ngày 1-10-1981 do Nhơn, Răng, Vũ Hải, Vinh hành sự, cướp được 2 chiếc đồng hồ Seiko, 4 dây chuyền vàng và 1 nhẫn vàng. Quá trình hoạt động gây án, chúng trang bị thêm 3 khẩu súng, mỗi tên sử dụng một khẩu. Với 6 khẩu súng đầy đủ cơ số đạn, những đối tượng tù trốn trại đã thực hiện liên tiếp 7 vụ cướp tài sản và sẵn sàng nổ súng chống trả lực lượng công an, khiến người dân lo sợ. Lãnh đạo Ty Công an Đắk Lắk hạ lệnh cho lực lượng phá án, chủ công là Phòng CSHS và Công an thị xã Buôn Ma Thuột tăng cường sử dụng các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, triệt hạ băng cướp có vũ khí đặc biệt nguy hiểm trong thời gian sớm nhất. 

Một buổi sáng tháng 10, trên đường phố thưa vắng người xe qua lại, tổ trinh sát hình sự đang tập trung quan sát những kẻ khả nghi, phát hiện bọn cướp trên chiếc xe lam đang chạy về hướng Tỉnh lộ 8 đi Quảng Phú, liền bám theo trên những chiếc xe đạp cọc cạch.

Khi chiếc xe lam vừa đến đầu Tỉnh lộ 8 thì bọn cướp chặn đường và cùng các đối tượng trên xe trấn cướp tài sản. Ngay lập tức, trinh sát nổ súng chỉ thiên cảnh cáo. Từ trong xe, chúng chĩa súng về phía trinh sát nhả đạn. Các trinh sát lập tức bắn trả. Thấy lực lượng công an đuổi sát, nhóm cướp liền nhảy khỏi xe, rút vào căn nhà hoang trong khu đồi cà phê ở cuối đường. Với 6 khẩu súng AK và AR15, bọn cướp tỏ ra ở thế áp đảo.

Tuy nhiên, với các tay súng thiện xạ, trinh sát đã hạ gục các tên Hà Văn Răng, Hồ Thành Vinh. Biết tiếp tục kháng cự sẽ phải chịu chung số phận như 2 đồng bọn nên Phạm Thành Nhơn và những tên còn lại ôm súng tẩu thoát. Nhiều cuộc bao vây truy lùng sau đó đều không thành công. 

Thiếu tá Hoàng Lâm, Phó Ty Công an Đắk Lắk kiêm Trưởng Công an thị xã Buôn Ma Thuột, Phó Ban chuyên án đã liên tục chỉ đạo lực lượng CSHS tỉnh và thị xã phối hợp với công an các địa bàn giáp ranh tăng cường các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh nhằm phát hiện, triệt phá băng cướp đặc biệt nguy hiểm này. Sau nhiều tháng trinh sát nắm tình hình, lực lượng phá án phát hiện sào huyệt của Phạm Thành Nhơn và đồng bọn là khu rẫy cà phê bạt ngàn tại Xóm Mới - cây số 5, thị xã Buôn Ma Thuột. 

Thời điểm đó, Đội trưởng Văn Ngọc Thi đã xây dựng mạng lưới quần chúng rộng khắp địa bàn để nắm tình hình. Nhiều đoàn viên, thanh niên bất chấp hiểm nguy đã tích cực cùng công an truy bắt cướp. M.S. là một trong số đó. M. S. và Đội trưởng Văn Ngọc Thi đã cùng mạng lưới quần chúng nhiều lần thâm nhập khu vực Phạm Thành Nhơn và đồng bọn ẩn náu, nhưng chỉ tìm thấy dấu vết mờ nhạt để lại, chúng đã tẩu thoát khỏi sào huyệt.

Ngày 9-11-1981, trong cơn mưa chiều xối xả, các trinh sát quyết định truy lùng vào sào huyệt Phạm Thành Nhơn. Khi vào gần đến nơi, phát hiện dấu vết bọn cướp và nghe tiếng động phía trước, Văn Ngọc Thi và M.S. vội chui vào thùng phuy bên gốc cây nghe ngóng động tĩnh, thỉnh thoảng thò đầu ra quan sát. Lúc này một mũi trinh sát do Thành “râu” (Phan Văn Thành) chỉ huy cũng đang tiến vào. Hơn 5 giờ chiều, nghe yên ắng, Văn Ngọc Thi và đồng đội. chui ra khỏi thùng phuy. Văn Ngọc Thi huýt sáo làm ám hiệu tìm cánh quân Thành “râu” thì bọn cướp phát hiện anh cách chúng chừng 5m. Văn Ngọc Thi bước tới rồi lui lại vì đạp phải gốc cây mục và nghe tiếng lên đạn của súng. Anh ra hiệu cho M.S. lùi lại. 5 phút sau, cánh quân Thành “râu” vào đến.   

- Chúng biến rồi - Văn Ngọc Thi nói với Thành “râu” rồi chỉ huy anh em truy kích. Hơn 8 giờ tối, cuộc truy lùng bất thành. Anh em ai nấy đều ướt như chuột. Văn Ngọc Thi ra lệnh rút quân.   

Một buổi chiều đầu tháng 12-1981, được quần chúng báo tin Phạm Thành Nhơn đã về nhà, nhưng Văn Ngọc Thi quyết định vẫn chưa truy bắt vì anh nghĩ đối tượng này đã tung tin như thế thì hẳn hắn sẽ có cách đối phó rất nguy hiểm nên Văn Ngọc Thi chờ Phạm Thành Nhơn mất cảnh giác mới tấn công.  

1 giờ sáng Văn Ngọc Thi giật mình thức giấc. Anh linh tính Phạm Thành Nhơn đã về nhà. Văn Ngọc Thi huy động 9 chiến sĩ trinh sát Đội CSHS, anh lái chiếc xe Jeep đến Đồn Công an số 3, nơi anh đã từng làm Trưởng đồn, huy động thêm lực lượng. 5 chiến sĩ lập tức cầm súng. 10 phút sau, chiếc xe Jeep mui trần đỗ cách nhà Phạm Thành Nhơn khoảng 50m. Các chiến sĩ lặng lẽ tiếp cận mục tiêu, triển khai đội hình chiến đấu. 

Sau khi kiểm tra hộ khẩu gia đình Phạm Thành Nhơn, cảnh sát khu vực Thế Hải rọi đèn pin và cùng Sáu Thi xuống hầm. Ánh đèn pin quét nhiều lượt quanh căn hầm nhưng không tìm thấy ai và cũng không thấy sự bất thường nào. Vô lý - Văn Ngọc Thi thầm nghĩ. Anh ra sân trao đổi với 2 tổ bao vây bên ngoài, anh em cho biết không có động tĩnh gì.  

Là người đã từng ăn hầm nằm hào trong kháng chiến, Văn Ngọc Thi chợt nghĩ, hay Nhơn đào ngách ẩn nấp? Anh bảo Thế Hải nhặt cục đá và cùng anh xuống hầm lần nữa. Cầm khẩu AK, Văn Ngọc Thi đưa súng ngắn cho Thế Hải. Tiếng mở khóa lách cách vang lên. Từng bậc tam cấp xuống hầm ngắn dần theo những bước chân rắn rỏi của 2 chiến sĩ can đảm. Thế Hải gõ xung quanh bốn bức tường lót ván. Gõ đến bức tường thứ hai thì nghe phát ra âm thanh rỗng bên trong.  

- Gõ mạnh để xác định độ rỗng - Văn Ngọc Thi bảo Thế Hải. Hải gõ mạnh thì chỗ mối nối hai miếng ván hé ra. Ánh đèn pin chiếu rọi thấy vật gì giống như móng chân người. Văn Ngọc Thi nghi ngờ và liên tục gọi hàng nhưng vẫn không có tiếng trả lời.   

Đoàng! Mũi đạn K54 công phá ngay điểm nghi vấn. Phạm Thành Nhơn bị thương và xin hàng. Viên đạn xuyên hai gót chân khiến hắn nhấc chân tập tễnh rất khó nhọc. Văn Ngọc Thi dìu hắn chui ra khỏi ngách hầm giao cho Thế Hải canh giữ. Anh kiểm tra căn hầm, thu giữ khẩu súng AR15 đầy đạn, một dao găm, một quả lựu đạn. 

Dẫu biết rằng Phạm Thành Nhơn là tội phạm, nhưng đối tượng đã bị thương không thể trốn thoát và dù không muốn nhưng Văn Ngọc Thi nghĩ có thể đây là cuộc chia tay không hẹn ngày về nên anh đã cho Phạm Thành Nhơn những giây phút cuối cùng với mẹ và vợ con, coi như đó là một ân huệ.   

Văn Ngọc Thi lái chiếc xe Jeep lao vút trong màn đêm, đưa Phạm Thành Nhơn và các chiến sĩ về công an về đến thị xã lúc 4 giờ sáng. Các chiến sĩ quân y lập tức được điều đến băng bó vết thương cho Nhơn. Văn Ngọc Thi giật mình sởn gáy từ lời khai của Nhơn. Hắn nói có lần anh suýt mất mạng tại sào huyệt của hắn. Lúc ấy tên đàn em của hắn thấy rõ Văn Ngọc Thi, rê nòng súng AK từ dưới lên ngay ngực anh. Ngón tay trỏ hắn đặt vào cò súng tính bắn Văn Ngọc Thi nhưng Nhơn giằng nòng súng xuống, không cho bắn. Tên đàn em hằn học hạ súng, cùng đại ca Nhơn lủi nhanh vào rừng cà phê bạt ngàn. Còn lần này anh cũng may - Nhơn nói. “Em mới về khoét hầm chưa được bao nhiêu, chứ em khoét sâu và rộng đủ chỗ để sử dụng được súng và em tử thủ thì chưa chắc anh bắt được em. Chỉ cần một quả lựu đạn là có thể em sẽ chết cùng anh…”. Phạm Thành Nhơn được đưa về Trại tạm giam công an tỉnh tiếp tục điều trị vết thương và tiến hành công tác điều tra xét hỏi.  

Nghĩ mình đã nợ Phạm Thành Nhơn một mạng và xét hoàn cảnh, sự ăn năn, khai báo thành khẩn, Văn Ngọc Thi đã đề nghị tòa án xem xét khi lượng hình nhưng vì tội trạng quá nặng nên Phạm Thành Nhơn đã phải chịu mức án cao nhất trong một phiên tòa sau đó. 

Còn tiếp