Kê khai tài sản có phát hiện tham nhũng?

ANTĐ - Chiều qua (2-11), các ĐBQH đã thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Nhiều ý kiến của đoàn ĐBQH Hà Nội cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tại đơn vị mình.

Công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập của công chức tại cơ quan làm việc 

(ảnh minh họa)

Kê khai để nhắc nhở là chính

Mở đầu phiên thảo luận tổ tại đoàn ĐBQH Hà Nội, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) cho rằng, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) lần này chỉ nên tập trung vào một số vấn đề đang thực sự vướng mắc, không nên quá dàn trải. Các vấn đề còn lại, tiếp tục giao cho Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng, chỉnh sửa thấu đáo để trình Quốc hội trong thời gian tới. Ý kiến của ĐB Nguyễn Đình Quyền nhận được sự ủng hộ của các đại biểu trong đoàn Hà Nội. ĐB Nguyễn Quốc Bình nói: “Theo tôi, trước mắt luật nên tập trung chống tham nhũng theo lợi ích nhóm, vì tham nhũng kiểu này kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế đất nước; rồi tham nhũng trong những lĩnh vực nhạy cảm và những lĩnh vực khác như: đất đai, tài chính ngân hàng, đầu tư công…”. 

Đa số các ý kiến trong Ủy ban Tư pháp tán thành việc kê khai tài sản tại nơi công tác, tạm thời chưa kê khai tài sản tại nơi cư trú. ĐB Nguyễn Đình Quyền giải thích việc này: “Kê khai tài sản chủ yếu dựa trên tính tự giác, chỉ có ý nghĩa nhắc nhở cán bộ là chính chứ để có thể phát hiện tham nhũng là rất khó. Đến CQĐT nhiều khi tiến hành hàng loạt biện pháp nghiệp vụ còn chưa phát hiện ra sự vụ. Vì thế nếu kê khai tại nơi cư trú còn có thể mang đến nhiều hệ lụy”. ĐB Nguyễn Quốc Bình cũng đồng tình: “Cán bộ kê khai tài sản tại nơi cư trú nhiều khi xảy ra hậu quả phản tác dụng. Tham nhũng thì chưa biết có phát hiện được không, nhưng cán bộ bị người dân dị nghị”. Tham gia thảo luận về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh gợi mở: “Cần thiết có thể tham khảo thêm hình thức các nước đã làm, liệu có nên để công khai tài sản cán bộ trên mạng internet hay không? Để bất cứ ai quan tâm đều có thể xem”. 

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Đó là ý kiến của ĐB Bùi Thị An, bà cho rằng, cử tri cả nước hiện rất quan tâm đến dự án Luật Phòng, chống tham nhũng lần này, nên sửa làm sao cho luật phải đi vào thực tiễn. Nhắc đến cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng, ĐB Bùi Thị An muốn có một cơ chế tốt, tránh tâm lý e dè: “Đối với người dân, chỉ khi thấy cán bộ trong sạch thì mới dám đến báo cáo, vì họ không biết thật - giả thế nào trong việc chống tham nhũng”. 

Về trách nhiệm người đứng đầu, ĐB Bùi Thị An không đồng ý với dự luật: “Ở các nước xảy ra bê bối lĩnh vực nào, thì bộ trưởng lĩnh vực đó thường từ chức. Ở Việt Nam, lỗi xảy ra thì cán bộ chỉ đứng lên trả lời rằng “tôi làm đúng quy trình”, làm đúng thế sao lại xảy lỗi? Tôi quan tâm kết quả, không quan tâm về quy trình. Thế nên phải quy định rất rõ về trách nhiệm của người đứng đầu”.