Kế hoạch đối phó và sống chung với đại dịch Covid-19 trong tương lai tại Singapore

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Singapore đang phải chống chọi với “làn sóng” nhiễm Covid-19 kỷ lục ngay khi có kế hoạch mở cửa trở lại với thế giới. Tuy nhiên, với tỷ lệ tiêm chủng quốc gia lên tới 80% dân số, Singapore đã giảm hiệu quả các ca bệnh nặng và tử vong. Singapore là ví dụ điển hình cho thấy rằng việc sống chung với virus SARS-CoV-2 là khả thi, thay vì cố gắng tiêu diệt nó. Và đây có thể là con đường chắc chắn nhất để thoát khỏi đại dịch Covid-19.
Singapore là ví dụ điển hình cho thấy rằng việc sống chung với đại dịch Covid-19 là khả thi, thay vì cố gắng tiêu diệt nó

Singapore là ví dụ điển hình cho thấy rằng việc sống chung với đại dịch Covid-19 là khả thi, thay vì cố gắng tiêu diệt nó

Ví dụ tham khảo để có thể vượt qua đại dịch Covid-19

Đầu tuần này, Singapore ghi nhận 1.647 trường hợp nhiễm Covid-19, nâng mức trung bình hàng ngày trong một tuần của quốc gia này lên 1.545 trường hợp, cao hơn bất kỳ đợt đại dịch nào trước đó. Nhưng ngay cả khi số ca bệnh tăng cao, số ca tử vong do Covid-19 ở Singapore vẫn ở mức thấp. Thành phố có 5,7 triệu dân này có trung bình 3 ca tử vong/ngày trong tuần trước. Được biết, Singapore hiện đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 80% dân số - một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của Trung Quốc là 73%, trong khi Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ lần lượt là 65% và 55% dân số.

Sau 18 tháng chống chọi với đại dịch, Singapore đưa ra kế hoạch “sống chung với Covid-19”, theo đó giảm các yêu cầu kiểm dịch và mở cửa trở lại với thế giới trong những tuần tới, trong khi vẫn áp dụng trong nước một số biện pháp giãn cách xã hội ngắn hạn.

“Đợt bùng phát dịch hiện tại sẽ làm chậm quá trình tái mở cửa của Singapore và có khả năng kéo dài quá trình này. Chiến lược tổng thể của chúng tôi không thay đổi. Chúng tôi cam kết mở cửa lại nền kinh tế và xã hội nhưng mục tiêu luôn là không gây quá nhiều căng thẳng cho hệ thống bệnh viện”.

Lawrence Wong (Bộ trưởng Bộ Tài chính Singapore)

“Cả thế giới sẽ chuyển sang nhìn nhận dịch Covid-19 là bệnh dịch đặc hữu. Không thể sớm loại bỏ nó bất cứ lúc nào, nhưng chúng tôi hiện có các công cụ để quản lý nó, bao gồm vaccine”.

Nhà miễn dịch học Ashley St. John (Trường Y Duke-NUS, Singapore)

“Ngay trong bối cảnh số ca nhiễm mới bùng phát, Singapore vẫn cung cấp một mô hình cho các quốc gia áp dụng “Zero-Covid” như New Zealand, Australia và Trung Quốc có thể thoát khỏi đại dịch thành công”.

Nhà dịch tễ học Ben Cowling (Trường Đại học Hồng Kông, Trung Quốc)

Trong số ca mắc mới kỷ lục tại Singapore ở thời điểm hiện tại, hơn một nửa là những người đã được tiêm chủng đầy đủ và số ca tử vọng, bệnh nặng ở mức thấp, cho thấy đại dịch Covid-19 đang dần trở thành một căn bệnh đặc hữu tại quốc gia này. Từ tháng 6-2021, Singapore đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế đối với các cơ sở ăn uống, nơi làm việc và địa điểm vui chơi giải trí. Đến tháng 8-2021, nhiều doanh nghiệp đã được phép hoạt động gần hết công suất. Vào đầu tháng 9-2021, Singapore mở ra “các làn đường du lịch đã được tiêm phòng”, qua đó khách du lịch đã được tiêm phòng đến từ những nơi có nguy cơ thấp như Hồng Kông (Trung Quốc) và Đức có thể vào Singapore mà không cần kiểm dịch. Singapore hy vọng có thể mở lại hoàn toàn biên giới vào cuối năm nay.

Trong suốt tháng 7, 8-2021, số ca mắc Covid-19 mới ở Singapore lên đến hơn 100 ca/ngày, sau gần 1 năm hầu như không có ca nhiễm nào khi chính quyền nước này áp dụng giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Trong tháng “mở cửa”, số ca mắc Covid-19 mới tại Singapore tăng theo cấp số nhân, từ 180 ca vào ngày 1-9 lên khoảng 500 ca vào giữa tháng 9 và gần 1.500 trong tuần này. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Singapore cho biết, sẽ áp dụng lại một số biện pháp giãn cách xã hội, bao gồm giảm nhóm ăn uống từ 5 người xuống còn 2 người tại các nhà hàng và chỉ đạo các công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà. Chính phủ Singapore cho biết các biện pháp sẽ được thực hiện trong ít nhất 1 tháng để ngăn hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải và cho phép thành phố mở rộng quy mô dịch vụ để giúp bệnh nhân phục hồi tại nhà.

Số ca mắc mới tăng cao song tỷ lệ tử vong ở mức thấp, Singapore đang được coi một ví dụ tham khảo đối với các quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia duy trì không khoan nhượng với Covid-19 để có thể vượt qua đại dịch.

Chuyển sang nhìn nhận đại dịch Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu

Tỷ lệ tiêm chủng cao đã giúp người dân Singapore không phải chịu những tác động tồi tệ nhất của virus SARS-CoV-2. Nhà chức trách nước này cho biết có 98% số người bị nhiễm Covid-19 trong 28 ngày qua ghi nhận tình trạng bệnh ở mức độ nhẹ hoặc không có triệu chứng. Ông Kenneth Mak, Giám đốc Dịch vụ Y tế của Singapore cho biết, những người được tiêm chủng ở Singapore có nguy cơ tử vong hoặc phải nhập viện thấp hơn 12 lần so với những người không được tiêm chủng.

Nhà miễn dịch học Ashley St. John thuộc trường Y Duke-NUS (Singapore) cho biết: “Thế giới sẽ chuyển sang nhìn nhận dịch Covid-19 là bệnh dịch đặc hữu. Không thể sớm loại bỏ nó, nhưng chúng tôi hiện có các công cụ để kiểm soát nó, bao gồm vaccine”. Nhà dịch tễ học Ben Cowling thuộc trường Đại học Hồng Kông (Trung Quốc) nhận định rằng, ngay trong bối cảnh số ca nhiễm mới bùng phát, Singapore vẫn được xem như một mô hình cho các quốc gia áp dụng “Zero-Covid” như New Zealand, Australia và Trung Quốc có thể thoát khỏi đại dịch thành công. “Có khả năng số ca mắc mới tiếp tục tăng hơn nữa trong những tuần tới khi Singapore tiếp tục nới lỏng các biện pháp. Những tôi hy vọng sẽ có rất ít ca bệnh nặng xảy ra” - nhà dịch tễ học Ben Cowling nói.

Trong các cuộc họp giao ban sức khỏe hàng ngày gần đây, các nhà chức trách Singapore đã chuyển hướng tập trung đánh giá số ca bệnh nặng và tử vong, thay vì số ca nhiễm mới. Và một khi trên con đường mở cửa trở lại, những nơi như Singapore có thể là ví dụ cụ thể để đánh giá rõ tác động của dịch bệnh so với lợi ích kinh tế của việc mở cửa trở lại. “Việc quay trở lại chiến lược “Zero-Covid” sẽ có những hậu quả kinh tế to lớn” - Nhà dịch tễ học Ben Cowling nhận định.