Kế hoạch “con ngựa thành Troy” và chuyến lưu diễn của nghệ sĩ kèn jazz vĩ đại nhất nước Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo phát hiện của nhà sử học Susan Williams ở Đại học London, Louis Armstrong - nghệ sĩ kèn jazz vĩ đại của nước Mỹ đã bị Cơ quan tình báo Mỹ sử dụng như một “con ngựa thành Troy” trong chuyến lưu diễn ở Congo vào năm 1960. Ông Louis Armstrong không hề biết rằng, điệp viên CIA cài vào đoàn biểu diễn của mình để thực hiện một số hoạt động gây tranh cãi nhất trong Chiến tranh Lạnh.
Nhạc sĩ nhạc Jazz Louis Armstrong được chào đón khi đặt chân đến Leopoldville, Congo ngày 28-10-1960

Nhạc sĩ nhạc Jazz Louis Armstrong được chào đón khi đặt chân đến Leopoldville, Congo ngày 28-10-1960

Trùm CIA trong đoàn biểu diễn

Đó là một buổi tối đáng nhớ vào tháng 11-1960. Louis Armstrong, vợ ông và một nhà ngoại giao từ Đại sứ quán Mỹ đi ăn tối trong một nhà hàng ở Léopoldville (khi đó là Thủ đô của nước Congo mới độc lập). Louis Armstrong, ca sĩ và trưởng ban nhạc, được tôn vinh là “Đại sứ thiện chí về nhạc Jazz” đang trong chuyến lưu diễn châu Phi kéo dài nhiều tháng, do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức và tài trợ nhằm cải thiện hình ảnh của nước này tại hàng chục quốc gia vốn vừa giành được tự do khỏi các chế độ thuộc địa. Điều mà Armstrong không biết là người đi cùng đêm đó không phải là tùy viên chính trị như giới thiệu, mà là người đứng đầu Cơ quan tình báo Mỹ (CIA) ở Congo. Ông cũng hoàn toàn không biết về việc danh tiếng của mình đã bị khai thác để tình báo Mỹ có được thông tin quan trọng cần thiết.

“Về cơ bản, Armstrong là “con ngựa thành Troy” của CIA. Thật sự là đau lòng. Ông ấy không hề biết bị đưa vào để phục vụ một lợi ích không rõ đúng hay sai. Hẳn là ông ấy sẽ rất kinh hoàng nếu biết sự thật này”

Susan Williams (nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu cao cấp của Đại học London)

“Về cơ bản, Armstrong là “con ngựa thành Troy” cho CIA. Thật sự là đau lòng. Ông ấy không hề biết bị đưa vào để phục vụ một lợi ích không rõ đúng hay sai. Hẳn là ông ấy sẽ rất kinh hoàng nếu biết sự thật này” - Susan Williams, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu cao cấp của Đại học London. Bà cũng là tác giả của cuốn “White Malice” (tạm dịch: Âm mưu hiểm độc) - một cuốn sách xuất bản năm 2019 phơi bày mức độ đáng kinh ngạc về các hoạt động của CIA trên khắp Trung và Tây Phi trong những năm 1950 và đầu những năm 60.

Các tài liệu do Susan Williams tìm thấy trong kho lưu trữ của Liên hợp quốc trong suốt 5 năm nghiên cứu cho thấy, rõ ràng rằng người dẫn chương trình của Armstrongs (trưởng chi nhánh CIA Larry Devlin và các sĩ quan tình báo Mỹ khác) được cử đến Congo đã sử dụng bình phong là chuyến thăm của nhạc sĩ tài hoa để tiếp cận tỉnh Katanga quan trọng và rất giàu có. Nước Mỹ khi đó chưa chính thức công nhận vùng đất mới ly khai Katanga này. CIA có rất nhiều mối quan tâm ở Katanga, từ các quan chức cấp cao mà họ không thể gặp mặt đến cơ sở hạ tầng khai thác quan trọng, với 1.500 tấn Uranium và tiềm năng lớn để mua thêm. Chuyến lưu diễn của Armstrong đến Katanga là cơ hội hoàn hảo, vì vậy Devlin và những người khác đã bay cùng ban nhạc nổi tiếng của ông.

Nghệ sĩ kèn jazz vĩ đại Louis Armstrong lưu diễn châu Phi để quảng bá cho hình ảnh nước Mỹ

Nghệ sĩ kèn jazz vĩ đại Louis Armstrong lưu diễn châu Phi để quảng bá cho hình ảnh nước Mỹ

Cái chết của vị Thủ tướng trẻ tuổi

Thời điểm này, CIA ở Congo do Devlin chỉ huy đang cố hạ bệ Thủ tướng được bầu đầu tiên của Congo - ông Patrice Lumumba (35 tuổi) - vì lo sợ ông sẽ dẫn đất nước theo mô hình của Liên Xô. Cho đến hiện nay, các nhà sử học nhận định rằng, nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc trẻ tuổi ấy muốn đất nước của mình giữ vị trí trung lập trong Chiến tranh Lạnh.

Tối đó, chỉ cách nơi Armstrong và Devlin ăn tối chưa đầy 2km, Thủ tướng Lumumba đã bị giam giữ tại dinh thự bởi những người lính trung thành với Joseph-Désiré Mobutu, vị chỉ huy quân sự trẻ tuổi có mối quan hệ chặt chẽ với CIA. Trong vòng 2 tháng kể từ chuyến lưu diễn của Armstrong, ông Lumumba bị sát hại. Mobutu sau đó đã củng cố quyền lực đối với Congo và trở thành một khách hàng trung thành của Mỹ. Chỉ huy CIA Devlin sau này điều trần trước Quốc hội Mỹ rằng: “Cuộc đảo chính của Mobutu đã được CIA dàn xếp và hỗ trợ”.

Cái chết của Thủ tướng Congo Lumumba là một trong những sự kiện nổi bật của Chiến tranh Lạnh và gây ra sự phẫn nộ trên toàn thế giới. Trong khi nhận trách nhiệm về cuộc đảo chính, CIA luôn phủ nhận sự liên quan đến việc ám sát ông Lumumba. Năm 1975, ông Devlin nói trong một cuộc điều tra của Chính phủ Mỹ rằng, họ đã cố gắng ám sát nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa trong nhiều tháng trước đó nhưng đã ngừng hoạt động từ lâu trước khi xảy ra vụ sát hại thực sự.

Tuy nhiên, Williams đã tìm thấy bằng chứng gây nghi ngờ về độ tin cậy trong lời khai của Larry Devlin. Các tài liệu của Hoa Kỳ được công bố gần đây cho thấy, trưởng trạm CIA đã cử một đặc vụ được gọi là WI/ROGUE đến Thysville (thị trấn nơi ông Lumumba bị giam giữ vài tuần trước khi chết) cũng như sau khi cơ quan này tuyên bố không quan tâm đến vụ ám sát có thể xảy ra. Williams nói: “Chúng ta không biết WI/ROGUE đã làm gì ở Thysville, nhưng nó làm suy giảm độ tin cậy của Devlin”.

CIA đã bắt đầu phát triển mạng lưới điệp viên, cộng tác viên và khách hàng ở châu Phi ngay sau khi thành lập vào năm 1947, dựa trên những công việc đã được thực hiện trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đến năm 1960, mạng lưới rộng lớn này đã mở rộng đến các nhà lãnh đạo công đoàn, doanh nhân, tổ chức văn hóa và giáo dục, doanh nghiệp và thậm chí cả các hãng hàng không. Cơ quan tình báo này còn được cho là liên quan đến một số sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử hậu thuộc địa của châu Phi.

Năm 1962, lời mách nước của một điệp viên CIA đối với các quan chức Nam Phi có thể đã dẫn đến việc Nelson Mandela (người hùng đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc) bị bắt giữ và bỏ tù 27 năm. CIA cũng bị đổ lỗi cho vụ lật đổ ông Kwame Nkrumah - Tổng thống Ghana đầu tiên trong một cuộc đảo chính quân sự năm 1966. “Bi kịch là Nkrumah, Lumumba và một số nhà lãnh đạo châu Phi khác không phản đối Mỹ. Họ muốn có quan hệ hữu nghị với Mỹ, nhưng vì họ cũng không phản đối Liên Xô nên họ bị Washington coi là kẻ thù. Thông điệp của Mỹ là: “Anh chỉ có thể ủng hộ chúng tôi hoặc chống lại chúng tôi” - nhà sử học Susan Williams viết.

Nỗi lòng người nghệ sĩ

Nghệ sĩ Louis Armstrong (1900-1971), là một nhân vật có ảnh hưởng nhất trong nhạc Jazz, người có công trong chuyển trọng tâm của âm nhạc từ ngẫu hứng tập thể sang biểu diễn độc tấu. Sự nghiệp kéo dài 5 thập kỷ, từ những năm 1920 đến những năm 1960, Armstrong là một trong những nghệ sĩ giải trí người Mỹ gốc Phi nổi tiếng đầu tiên đưa âm nhạc vượt qua màu da của mình ở một nước Mỹ bị chia rẽ chủng tộc. Năm 2017, tên tuổi của ông được gắn trên Đại lộ danh vọng Rhythm & Blues.

Sinh ra và lớn lên ở New Orleans, Armstrong sống trong giai cấp xã hội hèn mạt nhất, trong một thị trấn bị kỳ thị, nhưng lại có nền âm nhạc sâu đậm, nóng bỏng - lúc bấy giờ gọi là nhạc “ragtime” (thời đói rách) chứ chưa gọi là nhạc Jazz. Tuy thời thơ ấu ông sống trong cảnh đói nghèo, Louis Armstrong không cho rằng đó là điều đáng buồn mà là nguồn cảm hứng vô biên, ông từng nói: “Mỗi khi tôi nhắm mắt để chơi kèn, tôi nhìn thẳng vào trái tim của thành phố New Orleans xa xưa... Nó đem lại một cái gì đó để tôi bám vào mà sống”. Theo bình luận gia âm nhạc Steve Leggett thì Armstrong “là người có ảnh hưởng lớn nhất trong nền ca nhạc Mỹ trong thế kỷ 20”.

Với khả năng chơi nhạc, hát, sáng tác, nghệ sĩ Louis Armstrong có chuyến lưu diễn Congo ở tuổi 59. Ba năm trước đó, ông đã rút khỏi chuyến lưu diễn tương tự tới Liên Xô để phản đối nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Những cảm xúc từ chuyến trải nghiệm châu Phi đã được ông hợp tác thực hiện vở nhạc kịch mang tên The Real Ambassador, do Dave và Iola Brubeck viết kịch bản rồi làm thành album. Nó nói lên một số cảm xúc mâu thuẫn sâu sắc của chính người nghệ sĩ về việc tham gia vào các nỗ lực quảng bá cho Chính phủ Mỹ trên lục địa châu Phi. “Mặc dù tôi đại diện cho chính phủ, nhưng chính phủ không đại diện cho một số chính sách mà tôi muốn” - Louis Armstrong nói trong tác phẩm của mình.