Kế hoạch cải tổ kinh tế, định hình xã hội của Liên minh châu Âu hậu Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ gặp nhau trực tiếp tại Thủ đô Brussels (Bỉ) ngày 17 và 18-7 để thảo luận về kế hoạch phục hồi sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, cùng với đó là một ngân sách dài hạn mới của khối. 

Các nhà lãnh đạo châu Âu họp thượng đỉnh tại Brussels, Bỉ

Mục tiêu của kế hoạch phục hồi nhằm khắc phục những thiệt hại do cuộc khủng hoảng Covid-19, cải tổ nền kinh tế và định hình lại xã hội trên tinh thần đồng nhất, thích ứng và chuyển đổi. 

Đề xuất ngân sách 1.074 tỷ Euro để phục hồi

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã đề xuất khoản ngân sách 1.074 tỷ Euro để đạt được các mục tiêu dài hạn của EU cũng như để duy trì toàn bộ năng lực của kế hoạch phục hồi. Đề xuất này phần lớn dựa trên nội dung đưa ra hồi tháng 2, đó là kết quả của hai năm thảo luận giữa các quốc gia thành viên.

Ủy ban châu Âu (EC) sẽ được ủy nhiệm để đi vay tới 750 tỷ Euro dựa trên việc xác định các nguồn lực của khối. Khoản tiền này có thể được sử dụng để tài trợ cho các khoản vay và những chi phí phát sinh trong khuôn khổ các chương trình ngân sách dài hạn. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng đề xuất duy trì sự cân bằng giữa các khoản vay, bảo lãnh và tài trợ để tránh gây quá tải cho các quốc gia thành viên mắc nợ. Điều này cũng rất cần thiết cho tương lai của thị trường chung và giúp tránh gia tăng sự chia rẽ và bất bình đẳng.

Đề xuất đảm bảo rằng các quỹ sẽ đến được với các quốc gia và khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng, với 70% tạo điều kiện cho phục hồi và khả năng phục hồi sẽ được cam kết vào năm 2021 và 2022, theo tiêu chí do Ủy ban châu Âu (EC) phân bổ. 30% còn lại sẽ được cam kết vào năm 2023, có tính đến sự suy giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2020 và 2021.

Toàn bộ số tiền trên sẽ được giải ngân muộn nhất vào năm 2026. Trên cơ sở đề xuất, các quốc gia thành viên sẽ vạch ra kế hoạch phục hồi của nước mình cho giai đoạn 2021-2023 theo 6 tháng nhiệm kỳ luân phiên châu Âu, đặc biệt là sẽ có các khuyến nghị cụ thể theo quốc gia. Các kế hoạch này sẽ được xem xét và rà soát vào năm 2022. Việc đánh giá các kế hoạch này sẽ được Hội đồng châu Âu thông qua theo phương thức đa số dựa theo đề xuất của EC.

Ngoài ra, 30% số tiền cũng sẽ được dành cho các dự án liên quan đến khí hậu. Chi tiêu cho khung tài chính nhiều năm và chương trình “thế hệ tiếp theo” sẽ đáp ứng mục tiêu của EU là đạt được sự trung lập về khí hậu vào năm 2050, các mục tiêu khí hậu năm 2030 của EU và Paris. Theo các chuyên gia dự đoán, Hội nghị Thượng đỉnh bất thường có thể chưa phải là thượng đỉnh cuối cùng về ngân sách dài hạn.

Còn đó những bất đồng

Trong bối cảnh khó khăn kinh tế hậu đại dịch thì Quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ Euro vẫn là vấn đề khẩn cấp nhất cần giải quyết trước mắt. Hiện có nhiều bất đồng giữa các nước thành viên về Quỹ phục hồi kinh tế này. Trong khi 2 quốc gia đầu tàu EU là Đức và Pháp hoàn toàn ủng hộ, một số nước Bắc Âu vẫn phản đối đề xuất này. Nhóm 4 nước phản đối gồm Hà Lan, Đan Mạch, Áo và Thụy Điển cho rằng EU phân bổ khoản tiền 750 tỷ Euro mà không đi kèm các nghĩa vụ về trả nợ là không hợp lý. Số quỹ này trích ra từ ngân sách chung của khối do đó EU có quyền giám sát việc chi tiêu của những nước được hưởng lợi.

Những bất đồng này đã khiến Thủ tướng Đức Merkel - nước Chủ tịch Liên minh châu Âu phải thừa nhận các bên có thể sẽ không đạt được thỏa thuận tại hội nghị này hoặc hội nghị có thể kéo dài hơn so với kế hoạch để hướng đến một thỏa thuận có lợi cho tất cả các nước. Thủ tướng Đức Merkel cho biết: “Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu sẽ thảo luận về các đề xuất khôi phục quỹ của Liên minh châu Âu và làm thế nào để đạt được một nền tảng chung về vấn đề này. Quan điểm giữa các nước vẫn còn nhiều bất đồng. Tôi không biết liệu chúng ta có thể đạt được một giải pháp hay không nhưng tôi xin khẳng định thỏa thuận này sẽ tốt cho cả châu Âu”.

Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel cho biết phải mang thêm một bộ quần áo đến Brussels để tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu, đề phòng cuộc họp kéo dài hơn so với 2 ngày theo kế hoạch. Mặc dù đây là câu nói hài hước của Thủ tướng Luxembourg trước báo chí nhưng cũng phản ánh thực tế về những khó khăn để các nước Liên minh châu Âu đạt được đồng thuận tại hội nghị trong bối cảnh khối phải đối mặt với nhiều thách thức như chống Covid-19, phục hồi nền kinh tế, quan hệ thương mại với Anh hậu Brexit hay làn sóng người di cư...

Tuy nhiên, Thủ tướng Luxembourg cho rằng, điều quan trọng là 27 nước thành viên cần phải thể hiện tinh thần đoàn kết vì chỉ một nước bị ảnh hưởng sẽ tác động đến tất cả các nước. “Tôi nghĩ đây là một cơ hội tốt để đạt được đồng thuận về ngân sách EU cũng như Quỹ phục hồi. Khi đến Brussels, đã có nhiều cuộc thảo luận trước đó chứ không phải đây là vấn đề lần đầu được đưa ra. Đã có những ý kiến khác nhau và chúng ta cần thảo luận. Tôi nghĩ cơ hội thảo luận trực tiếp sẽ giúp các bên phá vỡ thế bế tắc, tìm kiếm sự đồng thuận và hướng đến sự thỏa hiệp”, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel nói.

Trong bối cảnh hiện nay, các cụm từ đoàn kết hay thỏa hiệp được nhắc đến nhiều nhất như một phép thử của Liên minh châu Âu giữa những rạn nứt nội bộ. Các nước cũng kỳ vọng vào sự dẫn dắt của nước Chủ tịch Liên minh châu Âu là Đức với nhiều kinh nghiệm sẽ giúp khối vượt qua khó khăn hiện nay.

Ngay trước thềm hội nghị, Thủ tướng Merkel tuyên bố Đức sẵn sàng thỏa hiệp về quỹ phục hồi châu Âu, trong khi Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhấn mạnh “sẽ làm mọi thứ” vì quỹ phục hồi châu Âu. Với việc các nền kinh tế đầu tàu EU như Đức hay Tây Ban Nha tuyên bố sẵn sàng nhượng bộ và nỗ lực thúc đẩy quỹ phục hồi có ý nghĩa quan trọng, tạo hi vọng các nước có thể đạt được đồng thuận, mặc dù khó khăn tại hội nghị.