“Kê đơn” đúng bài bản!

ANTĐ - Tuy không cùng diễn ra một thời điểm, ở hai đầu tàu kinh tế của cả nước, Hà Nội và TP.HCM, chiếm tới 60% thị phần huy động vốn của cả nước, đều họp bàn với Ngân hàng Nhà nước để tìm cách khơi thông tín dụng tắc nghẽn. Một loạt vấn đề được đặt ra: Ngân hàng sẽ phối hợp với các sở, ngành của hai thành phố đẩy mạnh chương trình cho vay như thế nào? Các tổ chức tín dụng và ngân hàng sẽ tập trung xử lý nợ xấu, tiết giảm chi phí ra sao?

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, với quy mô huy động và tín dụng chiếm tới 60% thị phần cả nước, nếu tìm cách “tháo van” nguồn vốn ở hai thành phố này, chắc chắn sẽ khơi thông đáng kể tình trạng bế tắc tín dụng hiện nay. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho biết, để kích thích tăng trưởng tín dụng, ngân hàng sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn ưu tiên, lãi suất thấp cho các chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở đối với người thu nhập thấp, cán bộ công chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, mua nhà ở xã hội diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 lãi suất thấp trong thời gian dài. Tiếp đó, cho vay người nuôi trồng, chế biến thủy sản xuất khẩu…

Đặc biệt Hà Nội sẽ tập trung xử lý nợ xấu, rà soát, đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi các khoản nợ để có biện pháp xử lý, thu nợ. Hà Nội, TP.HCM cũng là 2 thành phố có dư nợ bất động sản nhiều nhất. Hà Nội có dư nợ tín dụng là 616.600 tỷ đồng, chiếm 25% tổng dư nợ cho nền kinh tế, đến cuối năm 2012, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã xử lý được 45.000 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số doanh nghiệp lớn, quý I lượng hàng hóa bán ra có dấu hiệu tăng, nhưng chi phí quản lý, bán hàng cũng tăng lên nhiều nên hoạt động của doanh nghiệp kém hiệu quả. Một hiện tượng đáng quan ngại là tình trạng nợ xấu lan theo dây chuyền khi mà lợi dụng tình hình khó khăn nhiều doanh nghiệp lớn chiếm dụng vốn của ngân hàng. Còn các doanh nghiệp nhỏ thì chiếm dụng vốn của doanh nghiệp lớn. Dự cảm về “sức khỏe” doanh nghiệp năm nay sau khi đã đi qua quý I, nhiều doanh nghiệp cho rằng hoạt động chưa thực sự khởi sắc, sức mua của người dân chỉ mới nhích lên đôi chút. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, khi doanh nghiệp không còn tài sản, nhà xưởng để cầm cố, để được vay tiền, tiêu chí đầu tiên mà các ngân hành đưa ra là doanh nghiệp phải “khỏe”. Có nghĩa là doanh nghiệp có thanh khoản tốt, có kế hoạch và phương án kinh doanh khả thi, vừa cầm cự được mà làm ăn vẫn có lãi thì không có lý gì ngân hàng không cho vay. 

Lấy “sức khỏe” doanh nghiệp làm thước đo để ngân hàng “kê đơn” cho vay vốn là hoàn toàn có lý. Song, trong tình cảnh hiện nay kiếm đâu ra nhiều doanh nghiệp “khỏe” mà cho vay. Ngân hàng cũng chẳng dại gì “ôm” doanh nghiệp “ốm yếu”, vậy thì đến khi nào doanh nghiệp mới khỏe lên? Kê đơn theo sức khỏe là đúng bài bản, nhưng còn việc “cứu” doanh nghiệp thì lại cần những tháo gỡ triệt để hơn, sâu sát thực tiễn hơn.