Iran dọa sẽ tử hình một số nghi phạm làm "gián điệp Mỹ"

ANTD.VN - Ngày 2-7, Đài Truyền hình Quốc gia Iran đưa tin, các công tố viên nước này đang yêu cầu kết án tử hình một số nghi phạm bị bắt giữ vào năm 2018 vì hành vi gián điệp cho Mỹ trong quân đội và các cơ quan hạt nhân. Thông tin được công bố sau 2 tuần khi Iran tuyên bố bắn rơi một máy bay do thám không người lái của Mỹ xâm phạm không phận nước này ở vùng Vịnh. 

Phát ngôn viên Bộ Tư pháp Iran Gholamhossein Esmaili hôm qua cho biết, một số nghi phạm bị bắt năm 2018 với tội danh làm gián điệp cho Mỹ có thể bị tòa án quân sự kết án tử hình. "2 bị cáo không phải quân nhân đã phải nhận án tù dài hạn", ông nói thêm, nhưng không nêu chi tiết.

Hồi tháng 8-2018, Iran tuyên bố bắt giữ "hàng chục gián điệp" trong các cơ quan về hạt nhân và quân đội, bao gồm nhiều người mang hai quốc tịch. Hãng thông tấn Iran ISNA tháng trước đưa tin Jalal Hajizavar, cựu nhân viên hợp đồng cho tổ chức nghiên cứu hàng không vũ trụ thuộc Bộ Quốc phòng Iran, đã bị xử tử vì tội hợp tác với Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). 

Iran vừa treo cổ Jalal Hajizavar - cựu nhân viên Bộ quốc phòng với cáo buộc gián điệp cho Mỹ (Nguồn: ISNA)

Theo hãng thông tấn Iran ISNA, Jalal Hajizavar, cựu nhân viên hợp đồng cho tổ chức nghiên cứu hàng không vũ trụ thuộc Bộ quốc phòng Iran, đã bị treo cổ tại nhà tù Rajai Shahr ở thành phố Karaj, phía tây nước này vào đầu tuần, với cáo buộc làm gián điệp cho Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và chính phủ Mỹ.

Lời đe dọa của Iran được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Tehran và Washington tiếp tục leo thang liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Tehran hôm 1-7 tuyên bố đã tích trữ hơn 300 kg nguyên liệu uranium hexafluoride (UF6), hành động được xem là "phá rào" quy định trong Kế hoạch hành động Chung Toàn diện (JCPOA) được ký giữa Iran và 6 cường quốc hồi năm 2015. 

Đây được coi là bước đi lớn đầu tiên của Iran trong việc đình chỉ các cam kết với JCPOA kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hồi tháng 5-2018. Tổng thống Donald Trump cảnh báo Tehran đang "đùa với lửa" khi đưa ra động thái này. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif khẳng định họ không vi phạm thỏa thuận mà chỉ đang đáp trả sự rút lui của Mỹ. 

Iran hôm 8-5 đã đình chỉ hai trong số các cam kết trong JCPOA, đồng thời ra tối hậu thư gia hạn hai tháng cho châu Âu, Trung Quốc và Nga có biện pháp giúp họ giảm bớt lệnh trừng phạt từ Mỹ và bán được dầu, nếu không họ sẽ rút thêm cam kết trong thỏa thuận.

Leo thang căng thẳng

Quan hệ Mỹ-Iran ngày càng "căng như dây đàn", nguy cơ nổ ra xung đột xuất phát từ một số động thái gây hấn gần đây của Mỹ. Thứ nhất, ngày 8-4-2019, Tổng thống D. Trump quyết định liệt kê Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách khủng bố. Các động thái này của Mỹ bị hầu hết các nước trên thế giới phản đối do vi phạm các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế, ngoại trừ một số nước có thù địch với Iran như Israel, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain.

Thứ hai, ngày 22-4-2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định không gia hạn miễn trừ các lệnh trừng phạt dầu mỏ Iran đối với một số quốc gia. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 2-5-2019. Việc không gia hạn này có nghĩ là Mỹ cũng sẽ trừng phạt bất kỳ quốc gia nào mua dầu của Iran mà không có ngoại lệ. Quyết định này nhằm mục đích "đưa xuất khẩu dầu của Iran về con số 0". Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, lệnh trừng phạt này sẽ được duy trì tới chừng nào Tehran chịu ngồi vào bàn đàm phán.

Thứ ba, hồi tháng 5-2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) giữa Iran và nhóm P5+1 (Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức). Tháng 9-2018, Mỹ tiếp tục đưa ra các biện pháp trừng phạt, trong đó có việc cấm xuất khẩu dầu mỏ đối với Tehran (8 quốc gia và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Ấn Độ, Italia, Hy Lạp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (TQ) và Thổ Nhĩ Kỳ được Mỹ miễn trừ tạm thời, có nghĩa là được nhập khẩu dầu Iran đến một thời điểm nhất định).

Chính quyền Mỹ đã tiến hành áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt Iran, đe dọa quân sự nhằm mục đích buộc Iran ngừng phát triển tên lửa đạn đạo, hủy bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, chấm dứt đe dọa các đồng minh của Mỹ ở khu vực (trước hết là Israel và Saudi Arabia) và hòng tìm cách kiểm soát eo biển Hormuz (tuyến đường biển chiến của thế giới đang do Iran kiểm soát), ép Iran phải thuân theo luật chơi của Mỹ tại khu vực.