Iran cứng rắn với Mỹ và EU: Sẵn sàng hủy thỏa thuận hạt nhân!

ANTD.VN - Các vấn đề liên quan đến Thỏa thuận hạt nhân Iran một lần nữa lại dậy sóng sau khi Iran tuyên bố sẽ sớm tăng cường làm giàu uranium lên trên mức giới hạn của Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 lần nữa, tiến thêm một bước vi phạm và phá vỡ các quy tắc của thỏa thuận đã ký.

Thời hạn 60 ngày và sức ép từ những lời đe dọa

Tròn một năm từ lúc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Tehran đã có động thái công khai đáp lại. Chuyện gì đến đã đến. Đúng theo thời hạn 60 ngày, ngày 7-7-2019, Iran tuyên bố nâng mức làm giàu uranium lên giới hạn mới.

Iran cứng rắn với Mỹ và EU: Sẵn sàng hủy thỏa thuận hạt nhân! ảnh 1

Kỹ thuật viên trong cơ sở làm giàu uranium của Iran. Ảnh: Reuters.

Đây là lần thứ hai Iran vi phạm thỏa thuận trong vài tuần, mặc dù Iran chỉ thực hiện một bước khá khiêm tốn là tăng mức độ làm giàu từ mức 3,7% như đã thỏa thuận lên mức 5% - đủ để tạo ra năng lượng hạt nhân dân sự, nhưng vẫn thấp hơn 20% ngưỡng được coi là để phát triển bom hạt nhân.

Tuy nhiên, không dừng ở đó, trong một động thái mới,  Tehran cho biết sẽ tiếp tục giảm các cam kết theo thỏa thuận sau mỗi thời hạn 60 ngày, trừ khi các nước châu Âu ký hiệp ước có những hành động bảo vệ Iran khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ do Tổng thống Donald Trump áp đặt.

“Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ để làm giàu uranium ở mọi cấp độ và với bất kỳ khối lượng nào. Trong vài giờ nữa, quy trình kỹ thuật sẽ kết thúc và việc làm giàu vượt qua mức 3,67% sẽ bắt đầu”, ông Behrouz Kamalvandi, phát ngôn viên của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran tuyên bố.

Từ trái qua phải: Người phát ngôn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi, phát ngôn viên chính phủ Ali Rabiei và Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araghchi trong buổi họp báo ở phủ tổng thống tại Tehran hôm 7/7. Ảnh: AFP.

Ba cường quốc châu Âu, những bên ký kết thỏa thuận hạt nhân này là Đức, Pháp và Anh đều lên án động thái của Iran, nhưng có khả năng châu Âu sẽ không đưa vấn đề cáo buộc vi phạm vào cơ chế tranh chấp rườm rà của thỏa thuận hạt nhân. Có thể, sẽ có thêm cơ hội cho các nhà ngoại giao châu Âu gặp gỡ các đối tác Iran để trấn an Tehran bằng mong muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân hay còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPoA).

Cuộc họp đó sẽ diễn ra vào ngày 15-7-2019. Các nhà ngoại giao Châu Âu từng coi JCPoA là thỏa thuận “lịch sử”, là thành tựu ngoại giao hàng đầu của thế kỷ 21, sẽ cùng tìm kiếm, xác nhận quy trình kỹ thuật mà Iran đang thực hiện.

Tehran từ lâu đã báo hiệu rằng họ đã mất kiên nhẫn với sự “thất bại” về nhận thức của châu Âu trong việc tìm cách bù đắp “tổn thất” cho Iran do những tác động của các lệnh trừng phạt bổ sung mà Mỹ đưa ra, cũng như nỗ lực của Washington nhằm ngăn chặn hoạt động xuất khẩu dầu của Iran.

EU "loay hoay" tìm giải pháp

Các quốc gia Châu Âu đã đã được cảnh báo về việc vi phạm các giới hạn làm giàu cũng như về kế hoạch tăng cường vi phạm sau mỗi mốc thời hạn 60 ngày.

Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, đã lên án thông báo của Iran, nói rằng quyết định này là một hành vi vi phạm quy định của thỏa thuận. Chính phủ Pháp sẽ không kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp của thỏa thuận, thay vào đó, yêu cầu các bên dành thời gian để xem xét các điều kiện khôi phục đàm phán.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đức cho biết: “Chúng tôi kêu gọi Iran không thực hiện các biện pháp có thể làm suy yếu thỏa thuận hạt nhân. Chúng tôi rất mong Iran ngừng và đảo ngược mọi hoạt động không phù hợp với các cam kết của mình theo JCPoA, bao gồm cả việc làm giầu uranium vượt quá giới hạn dự trữ đã thỏa thuận trong JCPoA”.

Trong khi đó, trong một diễn biến khác, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Anh cho biết: “Iran đã phá vỡ các điều khoản của JCPoA . Trong khi Anh vẫn hoàn toàn tuân thủ các cam kết của thỏa thuận, Iran phải ngay lập tức dừng các hoạt động không phù hợp với nghĩa vụ của mình. Chúng tôi đang phối hợp với các bên tham gia JCPoA khác để có các bước tiếp theo phù hợp với các điều khoản của thỏa thuận, bao gồm cả việc lập một ủy ban chung”.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Jeremy Hunt, cho biết: “Nước Anh vẫn muốn tìm các biện pháp duy trì thỏa thuận này. Chúng tôi sẽ chờ cơ quan quốc tế có liên quan xác minh trước khi quyết định những bước tiếp theo. Nhưng rõ ràng nếu Iran vi phạm thỏa thuận này, sẽ có những hậu quả rất nghiêm trọng”.

Bên nào sẽ chịu nhượng bộ?

Trước những tuyên bố của Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Iran “tống tiền” thỏa thuận hạt nhân, nhưng Tehran đã đanh thép phản công bằng cách cáo buộc Mỹ “tống tiền kinh tế” và đơn phương xé bỏ các điều khoản của thỏa thuận ban đầu được ký bởi cựu tổng thống Mỹ Barack Obama . Vào tối ngày 7-7-2019, khi được hỏi về vấn đề này, ông Trump đã cảnh cáo Iran “nên cẩn trọng với việc làm giàu uranium”.

Trong một động thái khác, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif, đã “mở lời” rằng tất cả các biện pháp mà Iran thực hiện để thu hẹp lại các cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân đều có thể đảo ngược nếu các bên ký kết châu Âu của hiệp ước hoàn thành nghĩa vụ của họ.

Ông Abbas Araqchi, Thứ trưởng ngoại giao, phụ trách đàm phán hạt nhân của Iran, cũng bày tỏ quan điểm “vừa đấm vừa xoa” trong một cuộc họp báo ở Tehran rằng, các nước châu Âu đã không thực hiện các cam kết của mình và họ cũng phải chịu trách nhiệm. Theo tuyên bố của ông Araqchi, cánh cửa của ngoại giao đang mở, Iran sẽ ra một thời hạn 60 ngày khác để đàm phán, nếu không sẽ tiếp tục những động thái mới, mà nhiều khả năng là tiếp tục nâng mức giới hạn làm giàu uranium hoặc cho các lò phản ứng hạt nhân nước nặng tiếp tục hoạt động, và vấn đề quan trọng là các sáng kiến, giải pháp cần phải được các bên đưa ra.

Lò phản ứng Arak mà chính phủ Iran cho biết sẽ khôi phục lại như thiết kế ban đầu (Ảnh EPA)

Theo các nhà ngoại giao châu Âu cho đến nay, Tehran vẫn mơ hồ về các cam kết mới cụ thể mà Iran tìm kiếm và tuyên bố rằng trong số các bên ký kết còn lại đối với thỏa thuận này, chủ yếu là Trung Quốc sẽ có trách nhiệm tiếp tục nhập khẩu dầu của Iran. Một số quan chức đưa ra đề xuất giảm sản lượng xuất khẩu dầu của Iran xuống còn 200.000 thùng mỗi ngày, thấp hơn mức cần thiết để ngăn chặn ngân sách Iran đi sâu vào nợ nần.

Vương quốc Anh không phản đối các nước khác nhập khẩu dầu của Iran trừ khi họ phải chịu các lệnh trừng phạt riêng. Nhưng Iran muốn EU thiết lập một hạn mức tín dụng lớn hơn cho các quốc gia để mua dầu của Iran, một điều mà châu Âu đã phản đối. Châu Âu dường như không muốn phải miễn cưỡng trong việc đưa một khoản tiền lớn vào bất kỳ hạn mức tín dụng nào để tăng cường thương mại với Iran.

Hành động lên án rõ ràng nhất về động thái của Iran, không có gì đáng ngạc nhiên, là từ thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu. Ông nói rằng bước đi này của Iran là cực kỳ nguy hiểm và kêu gọi châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt ngay lập tức. “Việc làm giàu uranium được thực hiện  chỉ vì một lý do và một lý do duy nhất: đó là để tạo ra bom nguyên tử”, ông nói.

Với chiến thuật gây sức ép này của Iran, vào lúc này, các nước châu Âu dường như là những người khó xử nhất khi căng thẳng Mỹ - Iran leo thang. Và trên thực tế, châu Âu đang triển khai những nỗ lực cuối cùng để ngăn Iran phá vỡ thỏa thuận hạt nhân.