Iran bắt giữ tàu chở hóa chất của Hàn Quốc ở vùng Vịnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã xác nhận vụ một tàu chở hóa chất của Hàn Quốc đã bị chính quyền Iran bắt giữ ở vùng biển ngoài khơi Oman và lên tiếng yêu cầu Tehran thả ngay lập tức tàu này cùng các thuyền viên. Trên tàu bị bắt giữ có 20 thủy thủ gồm 2 người Việt, 2 người Indonesia, 5 người Hàn và 11 người Myanmar.
Xuồng cao tốc của IRGC hộ tống tàu chở dầu Hankul Chemi tại vùng Vịnh ngày 4-1-2021

Xuồng cao tốc của IRGC hộ tống tàu chở dầu Hankul Chemi tại vùng Vịnh ngày 4-1-2021

Ngày 5-1-2021, Vụ trưởng chuyên trách các vấn đề châu Phi và Trung Đông thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ông Koh Kyung-sok đã gặp Đại sứ Iran tại Seoul Saeed Badamchi Shabestari để phản đối việc Tehran bắt giữ tàu chở dầu MT Hankuk Chemi của nước này ở Eo biển Hormuz. Ông Koh Kyung-sok bày tỏ lấy làm tiếc về vụ việc, đồng thời kêu gọi phía Iran sớm trả tự do cho tàu MT Hankuk Chemi, cùng với các thành viên thủy thủ đoàn. Một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho rằng hai bên vẫn chia sẻ quan điểm vấn đề này cần được giải quyết thông qua con đường ngoại giao. Hàn Quốc dự kiến sẽ cử một phái đoàn tới Iran để thảo luận vụ việc.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho biết, Seoul đang nỗ lực hết sức để con tàu và các thành viên thủy thủ đoàn có thể nhanh chóng được thả tự do, đồng thời cố gắng tìm hiểu tình hình và xác nhận tình trạng an toàn của những người trên tàu. Ngoại trưởng Kang Kyung-wha cho biết, bà đã đưa ra phản ứng đối với các quan chức ngoại giao Iran ngay trong ngày 4-1 và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hiện đang tiến hành đối thoại với các nhà ngoại giao Iran ở cả Tehran và Seoul để giải quyết vấn đề. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc xác nhận tàu Hankuk Chemi di chuyển vào lãnh hải Iran theo yêu cầu của nhà chức trách quốc gia vùng Vịnh. Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Iran khẳng định, các thành viên thủy thủ đoàn vẫn an toàn.

Trước đó, ngày 4-1-2021, truyền thông Iran đưa tin Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã bắt giữ một tàu chở hóa chất mang cờ Hàn Quốc ở vùng Vịnh. Một số hãng truyền thông Iran cho biết IRGC đã bắt giữ con tàu này vì tội gây ô nhiễm vùng Vịnh bằng hóa chất. Hãng thông tấn Tasnim cho biết thành viên thủy thủ đoàn bị bắt giữ bao gồm công dân Hàn Quốc, Indonesia, Myanmar và Việt Nam. Hãng Ambrey của Anh cho biết con tàu mang cờ Hàn Quốc, thuộc sở hữu của DM Shipping, chở theo 7.200 tấn ethanol khởi hành từ cảng ở thành phố Jubail của Saudi Arabia hướng tới Fujairah thuộc Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Hiện tàu chở hóa chất đang bị giữ tại thành phố cảng Bandar Abbas của Iran. Công ty DM Shipping, chủ quản của tàu Hankul Chemi, có trụ sở tại thành phố Đông Nam Busan, bác bỏ cáo buộc tàu này gây ô nhiễm vùng biển tại vịnh Persian.

Vụ bắt giữ diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Seoul và Tehran đang căng thẳng liên quan đến các tài sản của Iran bị phong tỏa theo các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tin tức cho hay Tehran đang xem xét đề xuất với Seoul rằng hai nước tiến hành đổi số tiền đang bị đóng băng lấy vaccine ngừa Covid-19 và các hàng hóa khác.

Trong diễn biến liên quan, theo hãng tin Yonhap ngày 5-1, đơn vị chống cướp biển của Hàn Quốc đã bắt đầu hoạt động tại Eo biển Hormuz nhằm đối phó với căng thẳng gia tăng sau khi Iran bắt giữ tàu chở dầu Hankuk Chemi. Nguồn tin Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết ngay sau khi Iran bắt giữ tàu chở dầu MT Hankuk Chemi, Hàn Quốc đã cử Đơn vị Cheonghae tới hiện trường. Hiện đơn vị này đã đến vùng biển gần đó và đang tiến hành các hoạt động ứng phó với tình hình. Đơn vị Cheonghae thuộc Lực lượng Đặc nhiệm 151 của Hải quân Hàn Quốc được thành lập nhằm mục đích bảo vệ các tàu dân sự hoạt động gần bờ biển Somalia. Kể từ cuối năm 2020, phân đội 33 của Đơn vị Cheonghae gồm 300 người trên tàu khu trục Choi Young trọng tải 4.400 tấn đã tới vùng biển ngoài khơi Somalia để thực hiện nhiệm vụ chống hải tặc ở Vịnh Aden và Eo biển Hormuz.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã lên tiếng kêu gọi Iran lập tức thả tàu Hankul Chemi, đồng thời cáo buộc chính quyền Iran tiếp tục đe dọa quyền tự do đi lại tại Vịnh Persian, như một phần động thái rõ ràng nhằm yêu cầu cộng đồng quốc tế nới lỏng sức ép trừng phạt. Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran vào năm 2018 sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân quốc tế JCPOA ký năm 2015. Tehran gọi lệnh trừng phạt của Mỹ là chiến tranh kinh tế.