Iran "ăn miếng trả miếng" trong vụ bắt giữ tàu của Anh

ANTD.VN - Một quan chức cấp cao của Iran, ngày 20-7, đã tuyên bố, việc Iran bắt giữ một tàu chở dầu của Anh là hành động “có đi có lại” của nước này trước việc Anh “nhúng tay” trong vụ bắt giữ tàu chở dầu của Iran tại eo biển Gibraltar hồi đầu tháng này.

Hành động trả đũa?

Lực lượng Vệ binh Cách mạng (IRGC) ngày 19/7 tuyên bố đã bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero của Anh ở eo biển Hormuz. Vương quốc Anh và các đồng minh châu Âu ngay lập tức đã lên án hành động trên của Iran và kêu gọi các bên kiềm chế để giảm căng thẳng gia tăng trong tuyến đường thủy quan trọng này.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt cho biết chính phủ nước này sẽ cân nhắc để đáp trả việc Iran, và đó sẽ là những phản ứng đáp trả mạnh mẽ. Ông Jeremy Hunt cũng cho biết đã có cuộc nói chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Iran và bày tỏ sự thất vọng khi Iran đã cam kết không để tình hình căng thẳng leo thang nhưng đã “hành xử theo cách ngược lại”.

Iran "ăn miếng trả miếng" trong vụ bắt giữ tàu của Anh ảnh 1

Hình ảnh máy bay không người lái của IRGC ghi lại được về vụ bắt giữ tàu Stena Impero (Ảnh IRGC)

Lưu lượng giao thông tự do qua Eo biển Hormuz có tầm quan trọng quốc tế, sản lượng xuất khẩu dầu thô toàn cầu từ các nhà xuất khẩu Trung Đông đến các nước trên thế giới đều phải đi qua tuyến đường thủy hẹp nằm giữa Iran và Oman này.

Con tầu Stena Impero mang cờ  của Vương quốc Anh đã bị bắt giữ vào cuối ngày 19-7 bởi lực lượng IRGC của Iran. Chủ sở hữu của con tàu, Stena Bulk, ra thông cáo xác nhận tàu Stena Impero "bị trực thăng và các tàu nhỏ không xác định danh tính tiếp cận trong quá trình đi qua Eo Hormuz trong khi tàu đang ở hải phận quốc tế". Con tàu đã bị bắt giữ cùng với một phi hành đoàn gồm 23 thủy thủ đoàn và không có ai là công dân Anh.

Iran "ăn miếng trả miếng" trong vụ bắt giữ tàu của Anh ảnh 2 Tàu chở dầu Stena Impero của Anh

Đoạn video do lực lượng IRGC công bố cho thấy một số thuyền bảo vệ nhỏ đã bao vây con tàu chở dầu. Một số người đàn ông mặc trang phục quân đội và đeo mặt nạ đen đã đổ bộ lên tàu từ một chiếc trực thăng.

Ông Jeremy Hunt cho biết việc bắt giữ tàu cho thấy những dấu hiệu đáng lo ngại về việc Iran có thể đang lựa chọn cách hành xử nguy hiểm là gây bất ổn. Bộ trưởng Ngoại giao Anh cũng đã đưa ra lời giải thích về việc Anh đã có căng thẳng với Iran sau khi quân đội Hoàng gia Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran ở Gibraltar vào ngày 4/7 là vì nghi ngờ con tàu này mang dầu đến Syria, vi phạm lệnh trừng phạt của châu Âu.

Bất đồng quan điểm

Trước những phát ngôn của phía Anh, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif ngày 20-7 đã mô tả vụ bắt giữ tàu chở dầu của Iran vào ngày 4 -7 là hành động “ăn cướp”. Trong khi đó, chính trị gia và cựu chỉ huy cảnh vệ, Thiếu tướng Mohsen Rezai đã tuyên bố rằng Iran không tìm kiếm xung đột, nhưng “Iran sẽ không gặp khó khăn gì trong việc trả đũa”.

Iran "ăn miếng trả miếng" trong vụ bắt giữ tàu của Anh ảnh 3

Ngày 4-7- 2019, một tàu tuần tra của Royal Marine - Vương quốc Anh được nhìn thấy đậu bên cạnh siêu tàu chở dầu Grace 1 của Iran trên vùng lãnh hải Gibraltar của Anh (Ảnh AP)

Còn hãng tin Fars thì trích lời người phát ngôn của Hội đồng giám hộ Iran, ông Abbas Ali Kadkhodaei, cho biết vụ bắt giữ tàu Stena Impero là một hành động “có đi có lại” của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Động thái ăn miếng trả miếng của Iran đã bị các nước châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran và các cường quốc trên thế giới lên án. Cả Đức và Pháp đều kêu gọi Iran thả tàu và thủy thủ đoàn ngay lập tức.  Berlin tuyên bố vụ bắt giữ  này đã “phá hỏng” mọi nỗ lực tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại của các bên.

Châu Âu đã đấu tranh để kiềm chế những căng thẳng xuất phát từ quyết định của Tổng thống Donald Trump nhằm rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân của Iran, là thỏa thuận nhằm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran để đổi lấy việc tuân thủ chương trình hạt nhân của nước này.

Kể từ khi tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015, ông Trump đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran, bao gồm cả việc xuất khẩu dầu mỏ và để đáp trả, Iran gần đây đã tăng mức độ làm giàu uranium vượt quá giới hạn của thỏa thuận nhằm gây áp lực buộc châu Âu phải tìm cách khắc phục các lệnh trừng phạt kinh tế.

Anh là một bên ký kết hiệp ước hạt nhân nhưng cũng là nhân tố nổi bật trong căng thẳng gia tăng của Mỹ với Iran khi Thủy quân lục chiến Hoàng gia của nước này tham gia vào vụ bắt giữ tàu chở dầu Iran tại eo biển Gibraltar, một vùng lãnh hải của Anh ở ngoài khơi bờ biển phía nam Tây Ban Nha.  Anh tuyên bố sẽ thả con tàu cùng hơn 2 triệu thùng dầu thô của Iran, nếu Iran có thể chứng minh rằng họ không vi phạm lệnh trừng phạt của EU. Tuy nhiên, một tòa án ở Gibraltar ngày 19-7 đã gia hạn việc giam giữ con tàu Grace 1.

Hành động của Iran đã buộc Hải quân Hoàng gia Anh phải điều tàu khu trục hộ tống các tàu hàng của Anh ở vùng Vịnh và gửi thêm tàu quân sự tới khu vực để bảo vệ việc vận chuyển qua eo biển Hormuz.