Internet đóng góp 0,9% trong GDP của Việt Nam

ANTĐ - Đó là số liệu được Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey&Company công bố trong buổi Tọa đàm với chủ đề “Tác động của Internet tới sự phát triển của kinh tế Việt Nam”.
Buổi tọa đàm do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Thông tin-Truyền thông, Hiệp hội Internet Việt Nam, Hội Tin học Việt Nam, các tập đoàn công nghệ lớn của nước ngoài như Google, Intel, các doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin và viễn thông Việt Nam. 
Trong buổi tọa đàm, Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey&Company đã công bố kết quả khảo sát trong báo cáo Trực tuyến và xu hướng sắp tới: “Tác động của Internet đối với các quốc gia đang lên”. Theo đó, McKinsey đã tiến hành nghiên cứu tại 30 nước, trong đó có Việt Nam và chỉ ra rằng, kết quả khảo sát cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 19% hiệu quả kinh doanh nhờ vào Internet.

Báo cáo của McKinsey cũng đã đo lường sự đóng góp của Internet đối với nền kinh tế Việt Nam và nhận thấy Internet đóng góp 0,9% trong GDP, trong đó có một phần đáng kể đến từ mảng tiêu dùng cá nhân, và đóng góp 1,6% trong tổng số 14,4%  mức tăng trưởng GDP của Việt Nam. 
Mức đóng góp 0,9% của Internet trong GDP của Việt Nam tương đương với Thổ Nhĩ Kỳ và Ma-rốc, cao hơn tại Nga nhưng lại thấp hơn nhiều so với mức 4,1% ở Malaysia, 3,2% ở Ấn Độ và 2,6% ở Trung Quốc. 
Internet đóng góp 0,9% trong GDP của Việt Nam ảnh 1
Hình ảnh trong buổi tọa đàm
Lý giải về những số liệu này, ông Shaowei Ying, Phó giám đốc văn phòng Singapore, Công ty McKinsey&Company cho rằng: “Thương mại điện tử ở Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển, tuy nhiên thị trường này vẫn chưa được đầu tư khai thác đúng mức". 

Buổi tọa đàm cũng nêu lên rằng, trong thời gian tới, Internet tại Việt Nam sẽ còn tiếp tục đạt được những kỳ tích mới. Theo Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 9/2010, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2015: cơ bản hoàn thành mạng băng rộng đến các xã, phường trên cả nước, kết nối Internet đến tất cả các trường học; phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 85% dân cư; Việt Nam nằm trong số 65 nước trong bảng xếp hạng của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU).

Đến năm 2020: hoàn thiện mạng băng rộng đến hầu hết số thôn, bản; phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 95% dân cư; Việt Nam nằm trong số 55 nước trong bảng xếp hạng của ITU (thuộc nhóm 1/3 nước dẫn đầu). Về phổ cập thông tin, Đề án cũng đặt mục tiêu đến năm 2015: 20 - 30% số hộ gia đình trên cả nước có máy tính và truy cập Internet băng rộng; đến năm 2020: hầu hết các hộ gia đình trên cả nước sử dụng các dịch vụ số; 50 - 60% số hộ gia đình trên cả nước có máy tính và truy cập Internet băng rộng, trong đó 25 - 30% truy nhập băng rộng sử dụng cáp quang.