[Infographic] Khám phá tàu ngầm phi hạt nhân tốt nhất thế giới

ANTD.VN - Không phải Nga, cũng không phải Pháp mà Đức mới là quốc gia có tàu ngầm phi hạt nhân tốt nhất thế giới. Tàu ngầm lớp Type 212 của Đức được coi là siêu tàu ngầm điện-diesel tối tân nhất hiện nay. Với hỏa lực mạnh, độ ồn thấp, thời gian hoạt động lâu, tính năng tự động hóa cao Type 212 được coi là niềm mơ ước của hải quân các nước.

Là lớp tàu ngầm phi hạt nhân tiên tiến hàng đầu thế giới do tập đoàn Howaldtswerke-Deutsche Werft AG phát triển cho hải quân Đức và Italy, chiếc đầu tiên đi vào hoạt động năm 2005, hiện tại những chiếc tàu ngầm tối tân này đang hoạt động trong biên chế của Hải quân Đức và Italy. Type 212 có động cơ điện – diesel và hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập (AIP). Khi sử dụng động cơ AIP, chúng gây ra tiếng ồn rất thấp và thời gian lặn có thể lên tới 3 tuần liên tục, vượt xa thời gian lặn tối đa của tàu ngầm Kilo 636 hay Scorpene của Pháp.

Type 212 có chiều dài 56m với tải trọng choán nước lặn đạt 1.830 tấn. Trong những lần thử nghiệm, chúng có thể lặn tới độ sâu 700m. Chúng mang 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm, cho phép triển khai 13 ngư lôi DM2A4, A184 Mod.3, Black Shark  hay tên lửa phòng không – chống hạm IDAS, hoặc 24 mìn phong tỏa hàng hải, đặc biệt hơn, Type 212 thiết kế bệ phóng cho 3 UAV làm nhiệm vụ trinh sát, cũng như một khẩu pháo nhỏ 30mm Murane có thể hỗ trợ hoạt động tác chiến dưới nước. Với thiết kế đặc biệt nó có thể hoạt động trong vùng nước sâu chỉ 17m. Điều đó cho phép nó tiếp cận bờ biển gần hơn so với bất kỳ loại tàu ngầm nào trên thế giới.

Ngoài ra, Type 212 được chế tạo từ loại thép không tạo ra từ tính giúp nó vô hình hoàn toàn với các thiết bị phát hiện từ tính (MAD) lắp trên tàu ngầm, máy bay săn ngầm và trực thăng săn ngầm. Hay nói cách khác, nó miễn nhiễm hoàn toàn trước các thiết bị MAD của cả Mỹ, NATO hay là Nga.

Với những tính năng này, Type 212 hơn hẳn hố đen Kilo 636 của Nga hay những tàu cùng loại khác của phương Tây. Hiện tại đang có thông tin đồn đoán Philippin sẽ mua loại tàu này để gia tăng sức mạnh hải quân trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông.