[Info] Trung Quốc tự tin với J-16, nhưng phi công lại bất an, vì sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Trong số nhóm máy bay quân sự Trung Quốc áp sát đảo Đài Loan hôm 26-3-2021, có tới 10 tiêm kích đa năng J-16. Mặc dù được coi là thành tựu của nền công nghiệp vũ khí, tuy nhiên J-16 lại khiến phi công Trung Quốc bất an, vì sao?

Nhóm máy bay quân sự Trung Quốc áp sát đảo Đài Loan hôm 26-3 gồm 10 tiêm kích đa năng J-16, hai tiêm kích J-10, 4 máy bay ném bom chiến lược H-6K, hai máy bay săn ngầm Y-8, một máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và một máy bay trinh sát chiến thuật Y-8, cơ quan phòng vệ của hòn đảo cho biết trong thông cáo cùng ngày. Đây là đợt áp sát đảo Đài Loan lớn nhất từ trước tới nay của máy bay quân sự Trung Quốc, khi hòn đảo đình chỉ mọi nhiệm vụ huấn luyện sau vụ hai tiêm kích F-5 đâm nhau.

Lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan điều tiêm kích đối phó, phát cảnh báo qua sóng radio và đặt các đơn vị phòng không vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu tới khi nhóm máy bay quân sự Trung Quốc rời khu vực. Trung Quốc chưa bình luận về thông tin này.

Máy bay J-16 của Trung Quốc

Máy bay J-16 của Trung Quốc

Mặc dù được coi là thành tựu tiếp nối của nền công nghiệp hàng không quân sự nước này, được giới chính trị gia và truyền thông tâng bốc, nhưng chiếc J-16 (phiên bản sao chép từ Su-30 Nga) lại khiến giới tướng lĩnh không quân và chính phi công Trung Quốc bất an, bởi động cơ nội địa trang bị trên chiếc tiêm kích đa năng này hoạt động không ổn định.

J-16 là máy bay chiến đấu đa dụng thế hệ mới do Viện nghiên cứu hàng không hải quân của Công ty chế tạo máy bay Thẩm Dương - Trung Quốc nghiên cứu, chế tạo. Nó có ngoại hình giống hệt máy bay chiến đấu Su-30MKK của Liên Xô. Hiện không quân Trung Quốc đã có 3 đơn vị J-16 trong biên chế, bao gồm lữ đoàn 172, 173 và 98.

So với các phiên bản Su-30 của Nga, J-16 được giới quan sát cho rằng có hệ thống điện tử tiên tiến hơn, chúng đều được trang bị radar loại pha chủ động vốn có độ nhạy bắt bám mục tiêu tốt hơn hẳn mạng pha thụ động trên các phiên bản Su-30 do Nga sản xuất.

Tuy nhiên điểm yếu cố hữu chính là động cơ, trái tim của loại máy bay này. J-16 đang trang bị các động cơ nội địa WS-10, tuy có lực đẩy tương đương với các động cơ AL-31FL do Nga sản xuất, nhưng chúng lại hoạt động cực kỳ thiếu ổn định, thậm chí một số tướng lĩnh không quân còn từ chối nhận vào trang bị các loại tiêm kích sử dụng động cơ nội địa vì lo ngại sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của phi công điều khiển.