[Info] Không phải quân đội Nga mà Ấn Độ mới là cứu tinh của MiG-35

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nếu tiếp tục theo đuổi thương vụ 5 tỷ USD nhằm mua 110 chiếc MiG-35, Ấn Độ sẽ trở thành cứu tinh của loại tiêm kích đa năng thế hệ 4,5 của hãng chế tạo máy bay nổi tiếng Mikoyan sau khi bị chính không quân Nga từ chối.

Trong khuôn khổ Triển lãm Hàng không quốc tế Ấn Độ - Aero India 21, các nhà sản xuất máy bay Nga và đại diện tổ hợp công nghiệp quân sự Ấn Độ đã đạt được thỏa thuận về việc ký kết hợp đồng khoảng 5 tỷ USD nhằm cung cấp 110 chiếc máy bay chiến đấu MiG-35.

Ông Vladimir Drozhzhov, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Kỹ thuật - Quân sự Nga (FSMTC) cho biết: “Moscow và New Delhi đã đồng ý về việc sản xuất chung MiG-35 trong trường hợp Liên bang Nga thắng thầu 110 máy bay chiến đấu". Ông Drozhzhov nói rằng một thỏa thuận sơ bộ đã đạt được với tập đoàn HAL của Ấn Độ.

Nếu tiếp tục theo đuổi thương vụ 5 tỷ USD nhằm mua 110 chiếc MiG-35, Ấn Độ sẽ trở thành cứu tinh của loại tiêm kích đa năng thế hệ 4,5 của hãng chế tạo máy bay nổi tiếng Mikoyan. Điều đáng nói dù được hãng chế tạo quảng bá tính năng vượt trội, nhưng không quân Nga lại không mấy mặn mà với loại chiến đấu cơ này, sau nhiều lần tính toán thiệt hơn, không quân Nga mới chỉ mua có 6 chiếc MiG-35, việc mua số lượng nhỏ này được cho là nhằm cứu vãi tình thế bi đát cho hãng chế tạo máy bay Mikoyan.

Hãng chế tạo máy bay nổi tiếng Mikoyan đã bị tụt lại quá xa so với hãng Sukhoi, trong khi máy bay Su-30/35 liên tục cháy hàng thì MiG-35 luôn trong tình trạng ế ẩm và liên tục thất bại trong các cuộc đua bán máy bay cho không quân các nước.

Nga phát triển máy bay MiG-35 từ đầu những năm 2000 với việc tích hợp các công nghệ hàng không hiện đại trên khung thân máy bay chiến đấu đa năng Mig-29. Khác với thế hệ MiG-29, ngoài khả năng không chiến vượt trội MiG-35 còn có thể tiêu diệt cả các mục tiêu trên biển và dưới mặt đất. Điểm mạnh của MiG-35 là hệ thống động cơ phản lực RD-33MK tích hợp công nghệ kiểm soát véc tơ lực đẩy đa chiều, điều này giúp MiG-35 thực hiện các bài bay siêu cơ động.

Buồng lái của MiG-35 được thiết kế dựa trên nguyên mẫu buồng lái của máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 và được trang bị các công nghệ gần như tương tự. Trong khi đó, biến thể hệ thống động cơ có kiểm soát vector thế hệ mới RD-33OVT dành cho MiG-35 cũng đang được Cục thiết kế Klimov phát triển với nhiều tính năng vượt trội hơn các phiên bản động cơ phản lực cũ.

Tiêm kích đa năng MiG-35 còn được trang bị hệ thống radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) Zhuk-AE. Radar này có tầm hoạt động lên tới 120km có thể theo dõi 30 mục tiêu cùng một lúc và thực hiện tấn công đồng thời 6 mục tiêu trong số đó bằng các tên lửa không đối không. Dù có tính năng được quảng bá mạnh mẽ, tuy vậy số phận chiếc máy bay này khá hẩm hiu. Ngoài Bộ Quốc phòng Nga đặt mua thì chưa có bất cứ quốc gia này đặt mua.

Truyền thông Nga cũng phải thừa nhận, cho dù đã có nhiều thay đổi, nhưng chính hình dáng bề ngoài hầu như không thay đổi so với MiG-29 khiến chúng mất đi tính hấp dẫn, bên cạnh đó tuy có động cơ với hướng phụt đa chiều, nhưng động cơ RD-33MK này thực ra chỉ là bản cải tiến từ loại RD-33 vốn ra đời từ đầu thập niên 1970. Mặt khác, RD-33 chưa bao giờ được coi là một loại động cơ xuất sắc, chúng hoạt động khá tốn nhiên liệu và thường nhả ra những vệt khói đen ngòm...