INDRA-2014: Cuộc tập trận vì lợi ích địa chính trị Nga - Ấn

ANTĐ - Nga và Ấn Độ đã thực hiện cuộc tập trận hải quân lớn nhất trong lịch sử quan hệ hai nước mang tên Indra-2014. Giai đoạn chủ chốt của cuộc diễn tập được triển khai trong hai ngày 17-18/7, trên vịnh Peter Đại Đế thuộc vùng biển Nhật Bản. 

Theo các quan chức hải quân hai nước, cuộc tập trận đã giúp các bên hoàn thiện các hành động tương tác chống cướp biển và khủng bố. Indra-2014 hoàn thành sứ mệnh của mình, trở thành một trong những công cụ tiếp cận lợi ích địa chính trị của Nga cũng như Ấn Độ - giới phân tích chính trị hai nước khẳng định.

Vào ngày 18-7, các thủy thủ đã tổ chức hiệp đồng phóng tên lửa và pháo nhằm vào mục tiêu trên không và trên biển. Họ hoàn thiện kỹ năng phòng thủ chống ngầm, chống hạm và phòng không dưới sự yểm trợ của các máy bay trực thăng.

Hoạt động diễn tập Indra được tổ chức từ năm 2003 nhưng đây là lần đầu tiên các biên đội tàu đã thực hành và giải quyết hàng loạt nhiệm vụ chiến đấu đảm bảo an toàn lãnh hải.

Hoạt động diễn tập “Tương tác biển 2014”, tương tự như Indra, đã được hải quân Nga và Trung Quốc tiến hành vào cuối tháng 5 trên biển Hoa Đông. Theo ông Igor Korotchenko, thành viên Hội đồng xã hội thuộc Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, ý nghĩa của những hoạt động này cũng vượt xa các nhiệm vụ hải quân thuần túy.

“Hiện nay, xu hướng lợi ích của Nga đã bộ lộ rất rõ ràng, đó là xích về phía các nước châu Á. Trước hết là với Ấn Độ và Trung Quốc - 2 trong số các cường quốc trên thế giới hiện nay. Vì vậy, hoạt động phối hợp tập trận là biểu hiện cho thấy sự hình thành các quan hệ đối tác tin cậy và trung tâm quyền lực mới trong nền địa chính trị thế giới” - ông Korotchenko nói.

INDRA-2014: Cuộc tập trận vì lợi ích địa chính trị Nga - Ấn  ảnh 1

Tàu khu trục INS Ranvijay của Ấn Độ


Các cuộc tập trận quân sự với Ấn Độ và Trung Quốc thường tiếp cận hàng loạt vấn đề, từ đối phó với chủ nghĩa khủng bố đến xử lý các nhiệm vụ chiến đấu thực tế. Nhìn chung, Indra cũng như “Tương tác biển” đều phản ánh vai trò ưu tiên châu Á trong chiến lược địa-chính trị của Nga hiện nay.

Giám đốc Trung tâm Cục diện chiến lược, ông Ivan Konovalov đã lưu ý đến một đặc điểm của cuộc tập trận hải quân Nga-Ấn lần này: “Hiện nay, những áp lực rất lớn đang nhằm vào Nga. Cuộc khủng hoảng Ukraine được phương Tây khai thác để thúc đẩy sự mở rộng NATO về phía đông. Trong điều kiện như vậy, có được các đối tác mạnh như Trung Quốc và Ấn Độ đối với Nga rất quan trọng để chấm dứt thời đại của thế giới đơn cực, mặc dù về nguyên tắc, nó cũng không tồn tại khi Mỹ không còn một mình thống trị thế giới. Hiện nay, một loạt trung tâm quyền lực lớn có ảnh hưởng mạnh đến nền chính trị thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ. Vì vậy, sự hợp tác với họ kể cả trong lĩnh vực quân sự là yếu tố rất quan trọng đối với Nga. Từ quan điểm địa chính trị, ta thấy đang hình thành vectơ châu Á trong một thế giới đa cực”.

Trung tâm quyền lực thế giới ở châu Á đang được củng cố và một phần nhờ vào sức mạnh chính trị đang lớn lên của những cơ chế như BRICS, SCO. Đặc biệt, Hội nghị thượng đỉnh BRICS được tổ chức ở Fortaleza đã phản ánh nguyện vọng của Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi là giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ và phương Tây, xây dựng chiến lược độc lập của mình trên thị trường tài chính toàn cầu.

INDRA-2014: Cuộc tập trận vì lợi ích địa chính trị Nga - Ấn  ảnh 2

Tàu hộ vệ “INS Shivalik” (F-47) của Ấn Độ


Tổ chức Hợp tác Thượng Hải SCO đề thảo các quy tắc kết nạp thành viên mới, nhằm đáp ứng sự hấp dẫn ngày càng tăng của mình giữa nhiều quốc gia châu Á.

Dự kiến ​​cơ chế kết nạp sẽ được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 9 ở Dushanbe. Ngày 17-7, đại diện Bộ Ngoại giao Pakistan đã khẳng định mong muốn làm thành viên chính thức trong SCO của nước này. Ngoài ra, Pakistan cũng như Ấn Độ, Afghanistan, Iran và Mông Cổ có qui chế quan sát viên trong tổ chức.

Cuộc diễn tập hải quân chung Indra-2014 diễn ra trong thời gian 6 ngày, được bắt đầu tổ chức vào ngày 15-7 tại Vịnh Peter Đại đế trên biển Nhật Bản, với mục đích huấn luyện và cải thiện các hoạt động hải quân chung, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác giữa các lực lượng vũ trang hai nước, đồng thời nâng cao khả năng cùng đối phó với các mối đe dọa an ninh hàng hải.

Hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ cử các tuần dương hạm lớp Slava Varyag, tàu khu trục Đô đốc Vinogradov, tàu đổ bộ Peresvet và nhiều tàu đảm bảo khác tham gia diễn tập. Còn Ấn Độ cử tới tàu khu trục INS Ranvijay, khinh hạm INS Shivalik và tàu chở dầu INS Shakti.

Theo Đại tá hải quân Roman Martov - phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, giai đoạn tích cực của cuộc diễn tập sẽ diễn ra từ ngày 17 đến ngày 19-7. Trong khuôn khổ cuộc diễn tập này, các tàu của hai nước sẽ tổ chức cuộc các khoa mục cơ động chiến thuật, khoa mục thực binh hỏa lực bắn pháo và bắn tên lửa, cũng như máy bay trực thăng diễn tập cất và hạ cánh trên boong.