Indonesia có nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 sau lễ hội Eid ul-Fitr

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Sự xuất hiện của các biến chủng virus corona mới, tốc độ tiêm chủng vaccine chậm chạp, cùng thái độ coi thường các quy định chống dịch của người dân, khiến Indonesia có nguy cơ chứng kiến số ca mắc bệnh bùng nổ như từng xảy ra ở Ấn Độ.

Ngày 13-14/5 tới đây là lễ hội Eid ul-Fitr - đánh dấu sự kết thúc của tháng lễ Ramadan. Theo truyền thống, hàng triệu người Hồi giáo ở Indonesia sẽ đón lễ hội này bằng cách trở về quê nhà. Khoảng 87% trong tổng số 270 triệu dân Indonesia là người Hồi giáo. Năm 2019 đã có 28 triệu người dân Indonesia trở về quê nhà trong thời gian nghỉ lễ. Năm ngoái, nhà chức trách Indonesia đã lần đầu tiên ra lệnh cấm đi lại trong thời gian lễ hội Eid. Nhưng với tình trạng người dân “né” lệnh cấm tràn lan, kết quả đã không như mong đợi của Jakarta. Theo thống kê sau lễ hội năm ngoái đã tăng 10-20% số ca nhiễm bệnh.

Indonesia có thể đối mặt làn sóng ca mắc Covid-19 bùng nổ vào những tuần sau lễ hội Eid

Indonesia có thể đối mặt làn sóng ca mắc Covid-19 bùng nổ vào những tuần sau lễ hội Eid

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, năm nay nhà chức trách Indonesia đã áp đặt lệnh cấm di chuyển kéo dài 12 ngày trong thời gian lễ hội Eid và những ngày sau đó. Tuy nhiên tình trạng phá luật được cho là vẫn sẽ tiếp diễn. Khảo sát do Bộ Giao thông Indonesia tiến hành cho thấy 18 triệu người nước này vẫn có kế hoạch trở về quê nhà năm nay. Chỉ trong tuần trước, hơn 642.000 người đã rời khỏi khu vực đại đô thị Jakarta bằng đường bộ, đường sắt và đường biển.

Các chuyên gia y tế cảnh báo Indonesia có thể đối mặt với làn sóng ca mắc Covid-19 bùng nổ vào những tuần sau lễ hội Eid. Thực tế xảy ra tại nhiều nước cho thấy, khi số lượng người như thế di chuyển, đại dịch sẽ trở nên trầm trọng hơn. Những biến chủng lây lan mạnh, lần đầu phát hiện ở Ấn Độ, Anh, Nam Phi, đã được phát hiện ở Indonesia. Đây là những biến chủng có thể làm giảm hiệu quả vaccine hoặc kháng thể trong cơ thể người. Điều này có nghĩa người ta có thể tái nhiễm Covid-19.

Bên cạnh đó là tình trạng một số người nước ngoài vẫn được phép nhập cảnh vào Indonesia bất chấp lệnh đóng biên. Trong tháng 4, 135 người Ấn Độ đi trên máy bay chở hàng đã được phép nhập cảnh và chỉ phải cách ly 5 ngày. 49 người trong số này sau đó có xét nghiệm dương tính với virus corona.

Chương trình tiêm chủng tại Indonesia đã được khởi động diện rộng. Tuy nhiên tới ngày 6/5 chỉ có khoảng 8 triệu dân Indonesia trên tổng số 270 triệu dân được tiêm đủ 2 liều vaccine, đa phần là Sinovac của Trung Quốc. Nếu hiệu quả vaccine Sinovac là 65%, điều này có nghĩa chỉ 4,5 triệu người Indonesia có hệ miễn dịch chống virus hiệu quả nhờ vaccine.

Đại dịch kéo dài, quy định lỏng lẻo, cùng tình trạng thiếu phối hợp giữa các cơ quan chính phủ có thể khiến Indonesia rơi vào thảm kịch như từng xảy ra ở Ấn Độ.

Hiện tại Indonesia có 1.677.274 ca mắc Covid-19 và 45.796 ca không qua khỏi. Tổng số bệnh nhân hồi phục là 1.530.718 người.