Indonesia bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 bổ sung, nhưng sẽ tính phí

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN  -Indonesia chính thức bắt đầu chương trình tăng cường vaccine Covid-19 vào ngày 12-1 với các mũi tiêm miễn phí cho người cao tuổi và những người không có đủ tiền để chi trả. Nhưng quyết định này khiến phần lớn 270 triệu dân Indonesia phải bỏ tiền túi để tiêm mũi thứ ba.

Hiện Chính phủ Indonesia vẫn chưa xác nhận chi phí tiêm vaccine tăng cường là bao nhiêu, mặc dù dữ liệu giá vaccine đã được công khai trên các trang của cơ quan Liên hợp quốc. Mức giá dao động từ 2,75 USD/liều AstraZeneca đến 23USD/liều Pfizer. “Có tin đồn rằng giá vaccine sẽ vào khoảng 300.000 rupiah Indonesia (21 USD) nhưng trên thực tế, họ có thể tính phí cao hơn tại khu vực tư nhân, thậm chí có thể lên tới 70-140 USD cho một liều tiêm”, ông Alexander Arifianto, một thành viên tại trường Nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam ở Singapore nói với Al Jazeera.

Indonesia bắt đầu chương trình tăng cường vaccine Covid-19 vào ngày 12-1

Indonesia bắt đầu chương trình tăng cường vaccine Covid-19 vào ngày 12-1

“Trận chiến” vaccine

Chương trình vaccine của Indonesia vốn đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, từ việc triển khai chậm chạp đến các vấn đề mua sắm vaccine. Kể từ ngày 13-1-2021, khoảng 117 triệu trên tổng số hơn 270 triệu người Indonesia đã được tiêm chủng đầy đủ. Hầu hết mọi người đã được tiêm vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất sau khi Indonesia tham gia các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối của nhà sản xuất.

Tỷ lệ bao phủ vaccine giữa các khu vực của quần đảo này cũng có sự chênh lệch lớn. Theo số liệu của Bộ Y tế Indonesia, người dân ở Jakarta và Bali hầu như được tiêm phòng đầy đủ, trong khi các khu vực như Aceh và Tây Papua chỉ tiêm được khoảng 20% cư dân. “Tôi không chắc chương trình vaccine trả phí sẽ tiếp cận được đông đảo người dân. Với chưa đầy 50% dân số được tiêm chủng đầy đủ, chính phủ cần khuyến khích phần số dân còn lại đi tiêm phòng trước”, nhà nghiên cứu Arifianto nói.

Ông Arifianto nói thêm rằng trong khi mong đợi người dân bỏ tiền túi ra tiêm vaccine là điều đáng lo thì một vấn đề cấp bách hơn đối với chính phủ là tìm nguồn cung ứng các loại vaccine cần thiết. “Các quốc gia có thu nhập trung bình như Indonesia đã phải vật lộn để có được vaccine như Moderna và Pfizer bởi vì các hãng sản xuất ưu tiên các nước có thể trả trước”, chuyên gia nhận định.

Khi kế hoạch tăng cường được công bố vào đầu tháng 1 này, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin nói với báo chí rằng Indonesia sẽ cần 230 triệu liều tiêm nhắc lại và hiện nước này đã tích trữ được một nửa. Hiện vẫn chưa rõ Indonesia đang có kế hoạch tìm nguồn cung cấp các mũi tiêm bổ sung ở đâu.

Đẩy nhanh tiêm chủng vì biến thể Omicron

Indonesia đã ghi nhận hơn 4 triệu trường hợp nhiễm Covid-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch và gần 150.000 ca tử vong, con số cao nhất ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi số ca nhiễm mới hiện tại dao động trong khoảng 400 đến 500 ca một ngày - tỷ lệ nhỏ so với mức đỉnh được ghi nhận vào tháng 7 năm ngoái thì vẫn có những lo ngại về biến thể Omicron.

Hơn 150 người đã được xác nhận là nhiễm Omicron kể từ khi nước này có ca nhiễm đầu tiên vào tháng trước. Phần lớn các trường hợp có liên quan đến du khách quốc tế vào Indonesia, nhưng cũng có một số ca nhiễm cộng đồng ở các thành phố như Jakarta, Surabaya và Medan. Sự lưu truyền biến thể Omicron đã góp phần vào quyết định của chính phủ trong việc bắt đầu chương trình tiêm bổ sung, mặc dù kế hoạch ban đầu là sau khi tỷ lệ bao phủ vaccine đạt 70%. Nhưng các nhà phân tích lo ngại nó có nguy cơ phá hoại thêm chương trình tiêm chủng hiện có. Cụ thể, có thể một số người không cần tiêm nhắc lại nhưng họ lo lắng, sẵn sàng trả tiền để mua và sử dụng hết vaccine.

Giới chuyên gia nhận định, việc thu phí đối với liều tiêm vaccine tăng cường sẽ làm tăng thêm sự do dự của nhiều người đối với tiêm chủng. Trước chiến dịch hôm 12-1, nhóm khảo sát Indikator.co.id phát hiện, 55% người Indonesia không đồng ý với việc tiêm vaccine tăng cường, có thể do chi phí cộng với việc thiếu thông điệp sức khỏe cộng đồng rõ ràng.

“Tôi nghĩ 2 mũi vaccine là đủ. Tôi lo lắng các tác dụng phụ sẽ thực sự mạnh nếu tôi tiêm liều thứ ba. Mũi thứ hai tôi thấy tác dụng phụ mạnh hơn nhiều. Mũi tăng cường không cần thiết đối với người bình thường và nên được dành cho nhân viên y tế, những người chiến đấu với virus hàng ngày”, sinh viên Glory Nainggolan, tại Medan, người đã được tiêm chủng đầy đủ, nêu quan điểm.