Im ắng thị trường Tết

ANTĐ - Còn khoảng một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, nhưng thời điểm này, không khí chuẩn bị hàng hóa cũng như sắm Tết tại các chợ, các siêu thị vẫn khá im ắng. Nhiều dự báo cho thấy sức mua hàng Tết năm nay sẽ yếu hơn so với mọi năm.

Hàng Tết đã sẵn sàng, người dân chưa vội sắm

Tại chợ Phùng Khoang, chợ Thành Công, hàng khô như: măng, miến, mộc nhĩ... đã được chủ hộ kinh doanh tập kết để sẵn sàng bán vào dịp Tết. Tuy nhiên, khách mua hàng rất thưa thớt. Thường có thói quen mua hàng khô từ trước Tết rất sớm, nhưng năm nay, chị Nguyên (phố Nguyên Hồng - Đống Đa) chưa chuẩn bị gì. Chị cho biết: “Mọi năm tôi hay mua sớm vì chọn được hàng ngon, giá rẻ hơn cận Tết, đỡ phải chen lấn. Nhưng năm nay tôi chưa để ý xem hàng Tết thế nào”. Lý do của sự thờ ơ này là năm nay công ty chị Nguyên có thể không có thưởng Tết, hoặc thưởng Tết rất thấp. 

Tương tự như chị Nguyên, chị Hòa (Võng Thị - Tây Hồ) chia sẻ, hàng ngày đi chợ Lạc Long Quân, chị Hòa thấy tiểu thương vẫn bày bán hàng như bình thường, chưa thấy chuẩn bị gì nhiều hoặc giới thiệu các mặt hàng mới để thu hút khách. “Quan trọng nhất là có tiền chứ sắm thì mất mấy thời gian đâu”- chị Hòa nói.

Tại chợ Đồng Xuân - chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội, hàng Tết bày bán tràn ngập, nhất là tại các gian hàng thực phẩm khô, bánh kẹo, đồ phụ kiện trang hoàng Tết… Giá các mặt hàng tăng trung bình 10-20% so với năm ngoái. Hiện các loại măng khô dao động từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng/kg. Mộc nhĩ không chân 150.000 đồng/kg, nấm hương loại 1 giá 300.000 đồng/kg… Các loại mứt, hạt bí, hạt điều, hạt hướng dương... có giá khác nhau tùy theo chất lượng. Theo tiểu thương tại đây, giá nhập hàng tăng từng ngày nhưng người bán lẻ vẫn nhập dè dặt, sợ ế.

Tại các siêu thị, khách hàng sắm Tết cũng thưa thớt. Khảo sát ngày 8-1 các siêu thị trên địa bàn Hà Nội cho thấy, khách rất vắng. Các khu trưng bày hàng Tết bắt mắt, sặc sỡ màu sắc nhưng nhiều người chỉ đến xem hàng là chính. Ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng Giám đốc siêu thị Big C cho hay, siêu thị này đã chuẩn bị lượng hàng Tết tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, gồm tất cả các ngành hàng. Trong đó, mặt hàng bánh kẹo tỷ lệ hàng Việt chiếm hơn 90%, chưa kể các mặt hàng bánh mứt kẹo truyền thống nổi tiếng của các làng nghề. Đáng chú ý, một số mặt hàng như: lịch Tết, bao lì xì, mai vàng, câu đối... để trang trí dịp Tết mang nhãn riêng của Big C rẻ hơn 20-30% so với hàng hóa cùng loại. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, sức mua tại Big C vẫn chưa có nhiều biến động.

Ngay cả dịp nghỉ Tết Dương lịch dài 4 ngày vừa qua, lượng khách đến siêu thị rất đông nhưng một tỷ lệ không nhỏ chỉ đến để xem hàng. Một bộ phận khách hàng chọn mua hàng tiêu dùng thiết yếu như: dầu ăn, xà phòng giặt... tranh thủ khuyến mãi. Theo ông Dũng, người dân thường có thói quen mua hàng cách Tết 2-3 tuần. Do đó, thời điểm này chưa thể đánh giá về mức sắm Tết của người dân.

Giới chuyên gia kinh tế lại khẳng định “Sức mua năm nay chắc chắn kém do nền kinh tế khó khăn”. Nguyên nhân do rất nhiều doanh nghiệp chậm lương, doanh nghiệp đủ lương thì thưởng ít hoặc không có thưởng. Bên cạnh đó, vẫn nhiều nhận định bi quan về kinh tế thời gian tới, khiến người dân có tâm lý tiết kiệm. “Tiền đã ít lại còn tiết kiệm nữa thì lấy đâu ra tiền mà mua Tết. Và vì vậy doanh nghiệp cũng không dám chuẩn bị nhiều hàng”- một chuyên gia kinh tế phân tích.