Hy vọng sẽ “ấm” lên

ANTĐ - Cách đây 6 tháng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay là khoảng 5,7%.  Trong một báo cáo vừa được Ngân hàng này công bố đã hạ mức tăng trưởng xuống thấp hơn đáng kể so với con số dự báo, chỉ còn 5,2%. 
Lý giải về sự điều chỉnh này, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB cho biết, nguyên nhân là do kinh tế toàn cầu suy giảm, các nước công nghiệp lớn như Mỹ, Nhật đều có mức tăng trưởng trong năm 2013 dự báo khá ì ạch, thậm chí châu Âu tăng trưởng âm. Kinh tế Việt Nam tất yếu sẽ bị ảnh hưởng mà vẫn tăng trưởng 5,2% là một cố gắng lớn.

Phân tích thấu đáo, đánh giá thận trọng, chuyên gia ADB dự báo, thặng dư thương mại sẽ đạt mức kỷ lục 12,5 tỷ USD trong năm 2013 và thặng dư cán cân tài khoản vãng lai tiếp tục tăng trong năm nay trước khi giảm nhẹ trong năm 2014 do nhập khẩu. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở mức 4,9% và doanh số bán lẻ chỉ tăng 4,5% chứng tỏ sức mua thị trường chưa thực sự hồi phục, cầu nội địa vẫn thấp.

“Mổ xẻ” không e ngại vấn đề “đau đầu” nhất hiện nay – nợ xấu, bản báo cáo của ADB nhận xét, khi nợ xấu lan rộng sang thị trường liên ngân hàng, một số ngân hàng không thể thu hồi vốn đã cho vay đối với các ngân hàng nhỏ hơn có tỷ lệ nợ xấu cao, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái phản ứng bằng cách hạn chế các ngân hàng thương mại có nợ liên ngân hàng quá hạn hơn 10 ngày không được tiếp tục vay trên thị trường liên ngân hàng. Biện pháp này đã giảm được rủi ro giao dịch liên ngân hàng, nhưng đồng thời cũng hạn chế nguồn vốn vay. Khả năng duy trì cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại của Việt Nam, được ADB khuyến cáo sẽ phụ thuộc vào việc đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước.

Trong đó, việc “làm sạch” bảng cân đối tài sản của các ngân hàng thương mại sẽ mở đường cho việc tăng cường mạnh mẽ hoạt động tín dụng và việc đảm bảo đủ kinh phí để hoạt động là yếu tố sống còn cho sự thành công. Vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đòi hỏi một lộ trình dài hơi và có sự lựa chọn kỹ càng hơn. Có thể lựa chọn doanh nghiệp điển hình, lĩnh vực điển hình để làm trước, nhất là những doanh nghiệp có số nợ rất lớn khi đầu tư vào những lĩnh vực không liên quan đến ngành cốt lõi của mình. Tuy nhiên, trước mắt, để giải tỏa “cục máu đông” của nền kinh tế, việc cấp bách là giải phóng hàng tồn kho. Với một loạt giải pháp như điều chỉnh kế hoạch sản xuất, khơi thông thị trường, mở rộng xuất khẩu, một tín hiệu đáng mừng là lượng hàng tồn kho đang có xu hướng giảm dần.

Theo Bộ Công Thương, mặc dù sản xuất công nghiệp không tăng trưởng như mong muốn và tiêu thụ hàng hóa giảm, song một số ngành như dệt may, giày dép lại có mức tăng khá, đơn hàng sản xuất ổn định đến hết quý II, thậm chí cả quý III. Tồn kho của ngành thép đã giảm mạnh từ 450.000 tấn năm trước, xuống còn 280.000 tấn hiện nay. Chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp đầu tháng 1 năm nay lên tới 21,5%, thì đến đầu tháng 4 chỉ còn 16,5%, tuy vẫn còn cao hơn mức bình thường.

Chưa vội lạc quan về viễn cảnh kinh tế, Bộ Công Thương có cơ sở để dự báo dấu hiệu phục hồi sản xuất khi nhiều doanh nghiệp có xu hướng tăng nhập khẩu nguyên vật liệu để đẩy mạnh sản xuất. Bắt đầu bước vào mùa hè, mức tiêu thụ các sản phẩm như điện, thiết bị điện, điện lạnh, đồ uống sẽ tăng mạnh khiến sản xuất sẽ tăng theo. Thời tiết nóng lên, hy vọng kinh tế cũng sẽ “ấm” lên.