Hy vọng mới và những lo lắng có thật

ANTĐ - Năm 2012 đầy khó khăn đã qua. Hội nghị Trung ương 6 và kỳ họp vừa qua của Quốc hội đã chỉ ra diện mạo của những cản trở, bất cập trong chính sách và điều hành, chính sự nhận rõ đó là một lợi thế để chúng ta bước vào năm 2013 với những điều chỉnh lớn để đảm bảo cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế. 

Ngay những ngày đầu tiên của năm 2013, Chính phủ đã ban hành hai Nghị quyết quan trọng nhằm khai thông những bế tắc, những cục máu đông của nền kinh tế hiện nay. Đó là Nghị quyết 01, 02/NQ/CP. Có thể nói hai Nghị quyết này đã đáp ứng được mong đợi của nhân dân và đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện băn khoăn, lo lắng về công tác điều hành thực hiện hai Nghị quyết này.

Những chính sách đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Theo Nghị quyết 01, để thực hiện có kết quả các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan T.Ư, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện 9 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; Phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân; Tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phòng chống tham nhũng, lãng phí, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng đời sống văn hóa; Bảo đảm quốc phòng an ninh và ổn định chính trị, xã hội; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội. 

Trong nhóm giải pháp đầu tiên của Nghị quyết 01 (Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát) Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, tăng cường ổn định vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng hợp lý. NHNN khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế; thực hiện các biện pháp đồng bộ để cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Nhiệm vụ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm được Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi để tạo nguồn xử lý các nhiệm vụ chi cấp thiết phát sinh, giữ bội chi ngân sách Nhà nước không quá 4,8% GDP. Các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách Nhà nước, tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách Nhà nước; ưu tiên tập trung vốn đầu tư cho các công trình, dự án hiệu quả, có khả năng hoàn thành trong năm 2013... 

Cũng trong Nghị quyết 01, về nhóm giải pháp Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương bổ sung, sửa đổi một số chính sách cần và có thể điều chỉnh ngay về chế độ tiền lương, trợ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hưu trí và người có công nhằm sớm khắc phục những bất hợp lý nổi cộm hiện nay trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách; xây dựng đề án tổng thể cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp người có công đến năm 2020, trình Hội nghị T.Ư 7, khóa XI. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế, kinh phí quản lý hành chính.

Theo Nghị quyết 02 đề ra các giải pháp cụ thể như: phải phân bổ ngay vốn đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trong năm 2013; gia hạn 6 tháng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế thu nhập phải nộp quý I và 3 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp quý II và quý III năm 2013... 

Để giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường và đầu tư, Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện các biện pháp thiết thực, hiệu quả để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình trong phạm vi quản lý, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng quy định. 

Để giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm, Nghị quyết 02 nêu rõ: Gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế GTGT đối với số thuế GTGT phải nộp của tháng 1, tháng 2, tháng 3 năm 2013 đối với một số loại doanh nghiệp theo quy định. 

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS), Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương rà soát tất cả các dự án phát triển nhà ở để phân loại các dự án được tiếp tục thực hiện, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở, chuyển đổi sang phát triển nhà ở xã hội cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và nguồn lực xã hội. 

Có thể thấy Nghị quyết 01 tập trung vào 9 nhóm giải pháp đồng bộ trên tất cả các mặt, lĩnh vực để Chính phủ điều hành KT-XH năm 2013. Còn Nghị quyết 02 đi sâu vào nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và thị trường, giải quyết nợ xấu, với hàng loạt biện pháp cụ thể về miễn, giảm thuế, hạ mặt bằng lãi suất, giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS… nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm được thị trường, có được nguồn lực với lãi suất hợp lý để phát triển sản xuất, tăng thu nhập và vượt qua giai đoạn khó khăn này. Theo ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hai nghị quyết này đã thổi một luồng gió mới vào hoạt động của các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp lấy lại lòng tin yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh. Tốc độ ngừng hoạt động, phá sản doang nghiệp đầu năm 2013 có dấu hiệu giảm dần. Một số doanh nghiệp ngừng kinh doanh đã có kế hoạch đầu tư mới. Tuy nhiên cũng theo ông Kiêm, các doanh nghiệp vẫn còn nỗi lo lắng về công tác điều hành thực hiện hai Nghị quyết này.

Những lo lắng về công tác điều hành thực hiện

Trước hết, đối với các doanh nghiệp, điều kiện cốt tử là sự ổn định của chính sách. Hai nghị quyết này dẫu đáp ứng được mong mỏi tại thời điểm này, nhưng về lâu dài chưa có được sự ổn định. Các doanh nghiệp không thể lập kế hoạch phát triển chỉ dựa vào cơ hội do những chính sách có tính thời hạn. Vì vậy để nền kinh tế phát triển lành mạnh, những chính sách vĩ mô, đặc biệt chính sách tiền tệ cần sớm ổn định.

Đối với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và các doanh nghiệp cần sớm công bố các văn bản hướng dẫn thực hiện có tính pháp lý để các doanh nghiệp có thể tính toán các phương án giải quyết các khó khăn của mình. Mặc dù đây là những giải pháp giúp đỡ doanh nghiệp nhưng cần giảm ngay những thủ tục pháp lý rườm rà, tránh cơ chế xin cho tạo điều kiện cho tham nhũng. Cần thay đổi quy trình thủ tục hành chính, có người chịu trách nhiệm cá nhân về các quyết định. Kinh nghiệm của những năm vừa qua, một dự án BĐS phải quá nhiều chữ ký của ít nhất 8 Bộ ngành hoặc cấp dưới của các Bộ, ngành đó, nhưng khi xảy ra khủng hoảng không có ai chịu trách nhiệm. Những giải pháp giải cứu thị trường rất quan trọng, nhưng thực hiện công bằng sẽ rất khó khăn. Các doanh nghiệp đang rất lo lắng nếu để tham nhũng, lợi ích nhóm can thiệp vào các giải pháp giải cứu sẽ làm thiệt hại nghiêm trọng nguồn lực quốc gia, số tiền kích cầu sẽ không đến đúng địa chỉ cần thiết để giúp phát triển kinh tế. Bài học về khoản tiền cho vay ứng cứu ngành nuôi, chế biến cá tra vừa xảy ra là một bài học gần nhất. Ai sẽ được vay tiền, ai sẽ được mua nhà thương mại để làm nhà tái định cư và mua bao nhiêu? Dư luận đang đặt nhiều hy vọng vào các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của các Bộ, ngành liên quan.