Hy vọng mới cho người nhiễm HIV

ANTĐ - Là công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu có tính chất hệ thống, bài bản về phân lập, tác nhân dòng và biểu hiện gene mã hóa protease HIV-1 tái tổ hợp từ chủng CRF01-AE trong E.coli, nhóm các nhà khoa học của Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Enzym và Protein, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội đã bước đầu mở ra khả năng tự sản xuất PI chống HIV ở Việt Nam.

Liệu pháp gene giúp điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân mắc HIV

Một công trình khoa học ý nghĩa

Cho đến nay vẫn chưa có vaccine phòng chống HIV. Các thuốc chống HIV như ức chế enzyme phiên mã ngược hoặc các chất kìm hãm enzyme protease (PI) không loại bỏ được triệt để HIV ra khỏi cơ thể mà chỉ có tác dụng làm giảm tiến trình dẫn đến AIDS nhằm kéo dài thời gian sống của bệnh nhân. Tuy nhiên HIV là virus rất dễ bị đột biến, tạo các chủng mới, thay đổi tác dụng của thuốc, khiến thuốc không còn tác dụng nữa. Từ năm 2003, Việt Nam đã sử dụng thuốc ức chế protease (PI) để điều trị cho bệnh nhân nhưng vì lí do trên nên hiệu quả chưa cao.

Ở Việt Nam, protease của HIV-1 tách từ bệnh nhân chưa được nghiên cứu nhiều. Các nghiên cứu chủ yếu nhằm phát hiện HIV trong huyết thanh, xác định các nhóm virus HIV gây bệnh và xác định các đột biến liên quan đến tính kháng thuốc. Để thiết kế thuốc PI mới phù hợp với các chủng HIV lưu hành tại Việt Nam, điều kiện tiên quyết phải là nghiên cứu protease, tìm ra những đột biến trong gene mã hóa protease, làm cơ sở để tìm kiếm các chất ức chế protease làm thuốc điều trị HIV/AIDS. 

Xuất phát từ thực tế đó, các nhà khoa học của Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Enzym và Protein, Khoa Sinh học, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, do PGS.TS Phan Tuấn Nghĩa dẫn đầu, đã bắt tay vào nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu protease virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) phân lập tại Việt Nam”, nhằm mở ra khả năng tự sản xuất PI chống HIV ở Việt Nam. Theo các nhà khoa học, công trình này có ý nghĩa quan trọng vì nó mở ra một hướng nghiên cứu mới trong việc thiết kế các thuốc PI chống các virus gây bệnh khác. 

“Nhiều loại virus khi nhân lên lúc đầu cũng tạo ra các phân tử protein có kích thước lớn sau đó enzyme protease phân cắt thành các phân tử có kích thước nhỏ với các chức năng khác nhau giống như virus HIV. Nếu ngăn chặn được sự hoạt động của các protease này thì cũng ngăn chặn được sự nhân lên của một số virus đang lưu hành ở nước ta”, GS.TS Phạm Văn Ty, Khoa Sinh học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, giải thích.

Mở ra hy vọng mới

Sau một thời gian miệt mài nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành nhiều thí nghiệm và đã thu được các kết quả quan trọng như đã tinh sạch, nhân dòng và xác định được 8 đoạn gene mã hóa cho protease khác nhau và đã phát hiện được 19 đột biến trong đó có 10 đột biến thay thế axit amin. Các trình tự này đã được đăng ký ở Genbank. Cùng với đó, các nhà khoa học đã thiết kế và biểu hiện protease của HIV-1 trong E.coli, từ đó xây dựng được quy trình tinh sạch protease HIV-1 rất dễ thực hiện. Đặc biệt, các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công một số tính chất của protease tái tổ hợp và đã tìm được một số chất ức chế protease.

Những kết quả của đề tài nghiên cứu này rất đáng chú ý vì đây là lần đầu tiên protease của HIV-1 phân lập từ bệnh nhân nhiễm HIV ở Việt Nam đã được nghiên cứu một cách hệ thống và tìm được chất ức chế enzyme protease, làm cơ sở cho việc tạo thuốc PI chống HIV.

PGS.TS Nông Văn Hải, Viện Nghiên cứu Hệ gene đánh giá đây là công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu có tính chất hệ thống, bài bản về phân lập, tác nhân dòng và biểu hiện gene mã hóa protease HIV-1 tái tổ hợp từ chủng CRF01-AE của Việt Nam trong E.coli. Công trình đưa ra một phương pháp có hiệu quả để biểu hiện và tinh sạch protease HIV-1 tái tổ hợp. Chế phẩm protease HIV-1 tái tổ hợp là một sản phẩm quan trọng có thể dùng trong các nghiên cứu và ứng dụng tiếp theo cho phát triển các chất tiềm năng ức chế enzyme này, từ đó có thể phát triển dược phẩm để điều trị bệnh suy giảm miễn dịch do HIV-AIDS.

Kết quả của đề tài bước đầu mở ra khả năng tự sản xuất PI chống HIV ở Việt Nam. Cũng trên cơ sở nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu còn có thể thực hiện nhiều nghiên cứu ứng dụng khác cho virus gây bệnh như HCV, HBV, góp phần giải quyết những khó khăn trong việc sản xuất vaccine để phòng bệnh.