Hy Lạp: Hoán đổi hay vỡ nợ?

ANTĐ - Các nhà đầu tư đang lo lắng trước hạn chót cho thỏa thuận hoán đổi nợ của Hy Lạp. Tối 8-3, chủ nợ khu vực tư nhân của nước này sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có tham gia hay không. Nếu thỏa thuận không thành, Athens sẽ không nhận được gói cứu trợ thứ 2 và nguy cơ vỡ nợ là nhãn tiền.

Không khí căng thẳng quanh tòa nhà Quốc hội Hy Lạp trước giờ công bố kết quả thỏa thuận về hoán đổi nợ 

Theo kế hoạch chính thức, các chủ nợ của Chính phủ Hy Lạp là khu vực tư nhân như ngân hàng và các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư được yêu cầu xóa một nửa số nợ mà họ đang nắm giữ dưới dạng đổi nợ ngắn hạn lấy nợ dài hạn mới (30 năm) và lãi suất thấp hơn. Kế hoạch này nhằm cắt giảm 107 tỷ euro trong “núi nợ” 350 tỷ euro của Hy Lạp. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để Hy Lạp nhận được gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) với hy vọng thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công, góp phần kéo thế giới ra khỏi bờ vực suy thoái kinh tế mới. Ngược lại, thất bại trong tiến trình đàm phán về hoán đổi nợ sẽ đẩy Hy Lạp vào tình trạng vỡ nợ công vào ngày 20-3 tới, thời điểm nước này phải thanh toán 14,5 tỷ euro nợ trái phiếu đáo hạn.

Hy Lạp cần ít nhất 90% số chủ nợ khu vực tư nhân đồng ý với thỏa thuận này. Tính đến sáng 8-3, mới có 40% số chủ nợ đồng ý tham gia, trong đó có khá nhiều chủ nợ chủ chốt. Một bộ phận không nhỏ còn e ngại là chủ nợ cá nhân, họ nắm giữ 3,2 tỷ euro trái phiếu chính phủ. “Điều này sẽ ảnh hưởng đến 11.000 người và gia đình họ. Một số nhà đầu tư đã dốc toàn bộ tiền tiết kiệm của họ”, Yiannis Tsolias - thành viên Hiệp hội các nhà đầu tư tư nhân nói. 

Ông Olli Rehn - Cao ủy về vấn đề tiền tệ của EU bày tỏ lạc quan rằng thỏa thuận sẽ thành công. “Theo thông tin của chúng tôi, việc đảo nợ sẽ được thông qua mà không có bất ngờ bởi việc làm này cũng vì lợi ích tài chính đối với khu vực tư nhân”, ông Rehn trả lời phỏng vấn với báo Le Figaro của Pháp. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào chiều nay 9-3 (giờ Hà Nội).