Hy Lạp cổ đại có thực sự bị hủy diệt bởi động đất?

ANTĐ - Với những tàn tích còn lại của thành phố Tiryns cổ đại, các nhà địa chất vẫn đang hy vọng có thể tìm được bằng chứng để khẳng định, liệu có phải động đất đã chôn vùi nền văn minh Hy Lạp cổ đại hay không...

Tàn tích của các bức tường thành khổng lồ ở Athens, Hy Lạp

Những người Hy Lạp cổ đại đầu tiên, được gọi là Mycenaen, đã tạo nên cảm hứng cho truyền thuyết về cuộc chiến thành Troy với 2 thiên anh hùng ca Iliad và Odyssey. Nền văn minh Mycenaen bất ngờ bị suy tàn vào khoảng năm 1200 trước Công nguyên, từ đó đánh dấu "thời kì đen tối" ở Hy Lạp.

Sự biến mất của những người Mycenaen vẫn còn là một ẩn số ở vùng Địa Trung Hải. Nguyên nhân cho sự biến mất bí ẩn này được cho là có thể do chiến tranh xâm lược hoặc cuộc nổi dậy của các tầng lớp xã hội thấp. Nhiều nhà khoa học cũng nghĩ rằng với một đất nước thường xuyên chịu ảnh hưởng của động đất như Hy Lạp thì nền văn hóa này bị phá hủy do một cuộc động đất lớn là điều hoàn toàn có thể.

Klaus-G. Hinzen, nhà nghiên cứu địa chấn thuộc trường đại học Cologne (Đức), đồng thời cũng là người dẫn đầu cuộc tìm tìm kiếm, cùng đồng nghiệp của mình đã tái tạo lại mô hình 3D của thành phố Tiryns dựa vào những bản scan bằng tia laser những gì còn lại của di tích. Mục đích của họ là xác định có phải các tường thành này sụp đổ chỉ vì nguyên nhân động đất hay không.

Tiryns từng là một trong những thành phố lớn của nền văn minh Mycenaean. Vị vua của thành phố này đã cho xây dựng một cung điện trên đỉnh đồi đá vôi với những tường thành dày đến nỗi chúng được gọi là "Gã khổng lồ". Những bức tường cao khoảng 10, rộng 8m, được xây nên bởi các khối đá nặng 13 tấn, và chỉ có quỷ một mắt mới có thể mang vác được những khối đá vôi có kích cỡ lớn đến vậy. Tuy nhiên, cung điện nằm trên đỉnh đá vôi, được bao quanh bởi các lớp trầm tích như thế này rất dễ bị ảnh hưởng bởi động đất, kể cả những trận động đất từ xa.

Bản scan về các lớp trầm tích và lớp đá nằm bên dưới bề mặt sẽ cung cấp thông tin cho các nghiên cứu kỹ thuật về việc mặt đất sẽ rung chuyển như thế nào nếu có động đất. Công việc này khá phức tạp bởi vì rất nhiều khối đá đã bị một nhà khảo cổ nghiệp dư có tên Heinrich Schliemann di chuyển vào năm 1884 và đến gần cuối thế kỷ 20 mới được phục hồi lại. Thêm một rào cản cho việc chứng minh Hy Lạp cổ đại bị chôn vùi bởi động đất chính là chưa từng có một ghi chép nào hay thậm chí chỉ là những câu chuyện dân gian truyền miệng về sự suy thoái của văn minh Mycenaean mà có liên quan hay mô tả về một trận động đất

Các nhà nghiên cứu cũng đang lên kế hoạch nghiên cứu về một thành phố khác của Mycenaean cổ đại, Midea. Nhóm nghiên cứu này cũng đã từ làm những việc tương tự khi điều tra về các trận động đất cổ đại ở Thổ Nhĩ Kỳ, Đức mà Rome (Ý).