Huyết mạch dễ "đứt"

ANTĐ - Sự cố sập cầu Ghềnh, chiếc cầu đường sắt độc đạo Bắc - Nam đã gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.Tuyến đường sắt nối liền đất nước bị đứt đoạn và sẽ phải mất 3-5 tháng mới có thể khai thông. Hàng triệu hành khách vất vả, hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt bị ngưng trệ, còn dư luận thì giật mình lo ngại vì sự mong manh của những cây cầu “già lão”.

Trong khi ngành đường sắt đang loay hoay giải cứu cầu An Thái (tỉnh Hải Dương) bị tàu thủy đâm nứt dầm hồi đầu tháng 3, thì cầu Ghềnh với tuổi thọ 112 năm còn thảm hại hơn khi cả 2 nhịp sập hẳn xuống sông. Vụ tai nạn này như một hồi chuông báo động về thực trạng đường thủy nội địa không được quan tâm đầu tư, kiểm soát chặt chẽ như đường bộ.

Chỉ khi tai nạn, sự cố xảy ra như sà lan, tàu thủy đâm vào gây hậu quả nghiêm trọng thì các cơ quan quản lý mới vào cuộc tìm phương án khắc phục. Mặc dù chiếm tới 20% khối lượng vận chuyển hàng hóa, song đường thủy dường như bị lãng quên, lực lượng kiểm tra quá mỏng, trong khi các bến thủy nội địa mọc lên vô tội vạ và không được kiểm soát dẫn tới nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân sự cố đâm sập cầu ngoài việc bắt nguồn từ ý thức kém, sự liều mạng của người điều khiển phương tiện, còn một phần do lỗi từ chính cơ quan quản lý cầu đường. Cụ thể là, cầu Ghềnh xây dựng từ thời Pháp thuộc không hề có ụ, lưới chắn bảo vệ trụ cầu. Vì thế, chỉ một cú đâm mạnh cũng làm trụ cầu gãy sập, kéo đổ 2 nhịp.

Cần phải nói rõ thêm, trên cả nước còn không ít các cây cầu vẫn đang trơ mình hứng chịu những cú va đập chí mạng và có thể chung số phận như cầu Ghềnh bất cứ lúc nào. Theo Bộ GTVT, sự cố sập cầu Ghềnh dẫn đến hậu quả vận chuyển hành khách, hàng hóa của ngành đường sắt Việt Nam giảm tới 40% so với trước và còn kéo theo nhiều hệ lụy trong thời gian tới.

Trong mấy năm gần đây, đã có khá nhiều sự cố xảy ra với các cây cầu, nhất là những cầu có đường sắt đi qua. Đơn cử, từ năm 2009 đến nay, đã có hàng chục vụ tàu, sà lan đâm va vào cầu Bình Lợi khiến giao thông đường sắt gián đoạn. Như vậy là thực tế đã có lời cảnh báo, nhưng có lẽ không đánh động tới cơ quan quản lý.

Đường sắt được coi là huyết mạch vận tải hết sức quan trọng với một đất nước có chiều dài như Việt Nam, song huyết mạch đó thật dễ “đứt” chỉ vì 1 cây cầu. Trong khi đó, tuổi thọ của đường sắt cũng không hơn gì tuổi đời các cây cầu.

Mặc dù ngành đường sắt đã tăng tốc tàu hỏa Bắc - Nam, nâng cấp, cải thiện phương tiện, nhưng với khổ đường ray vẫn lạc hậu hàng thập kỷ nay, người dân vẫn chưa thể hy vọng được ngồi trên những đoàn tàu siêu tốc như ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường không là 4 huyết mạch của một đất nước nên không thể yếu kém trong cuộc hội nhập, cạnh tranh gay gắt trong ASEAN.