Huyền tích quanh gốc đa làng Tiền

ANTĐ - Đường kính thân cây đa phải vài chục người ôm mới hết, xung quanh nguồn gốc về cây đa khổng lồ này là bao huyền tích gắn liền với lịch sử và vùng đất nơi đây.

Cây đa khổng lồ thôn Tiền có đường kính thân tới hơn 30 người ôm mới hết

Gốc tích bí ẩn

Cây đa khổng lồ làng Tiền (xã Viên Nội, Ứng Hòa, Hà Nội) tọa lạc trên đê tả sông Đáy. Theo lời người xưa truyền lại, khi đắp con đê sông Đáy này vào thời nhà Trần năm Chính Bình (1244) đời vua Trần Thái Tông,  tại khu vực này có một cụ bà mở hàng nước bán cho dân phu đắp đê. Do thấy bà cụ ngày ngày ngồi bán nước  nắng nóng nên cụ ông đem một cành đa đến cắm trên mặt đê làm bóng mát, từ đó cành đa phát triển thành nơi để khách đi đường nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, theo lời của cụ Trương Hồng Diễn (61 tuổi) người dân ở đây cho biết, nếu tính tuổi thọ của gốc đa thì có thể nó đã hơn 1.000 tuổi và cây đa này gắn liền với lịch sử và những huyền tích xung quanh cuộc đời tiến sỹ Nguyễn Danh Thế (1572 - 1645), danh thần thời Lê Trung Hưng. Ông là người làng Vân Nội, huyện Chương Đức (nay là thôn Viên Nội, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Năm 23 tuổi thi đỗ tiến sĩ, ông được đưa vào làm Hàn Lâm viện hiệu thảo. Ít lâu sau, có tang lớn, ông xin về quê. Hết tang ông lại được vời ra làm Hiến sát sứ Sơn Tây, rồi về làm Hộ khoa đô cấp sự trung, Bồi tụng ở phủ Chúa Trịnh. Năm 1606, ông được cử làm Phó sứ sang nhà Minh (Trung Quốc). Năm 1609, ông tham gia đánh tan quân Mạc, đến năm 1618 lại làm Đô ngự sử.

Năm 1623, nhờ công dẹp loạn Trịnh Xuân, ông được phong Thượng thư Bộ Công, năm 1625 thăng Thiếu bảo, năm 1626 làm Thượng thư Bộ Hình, năm 1629 được phong Đường quận công, sau đó làm Tham tụng ở phủ Chúa. Năm 1640, ông được cử coi việc ở Đông Các, Thượng thư Bộ Lễ, coi giữ kinh sử. Ông là người ngay thẳng, giỏi chính trị, làm quan khắp trong ngoài trấn suốt 50 năm, khi mất được tặng Thái phó, thụy là Văn Trung. Trong thời gian tiến sỹ Nguyễn Danh Thế đi sứ Trung Quốc, do những hiềm khích từ trước với vị quan nghè ở Tuy Lai (Mỹ Đức, Hà Nội) đã tìm cách “nắn” lại con đê để ngăn đường thăng quan, tiến chức của tiến sỹ Nguyễn Danh Thế.

Cụ Trịnh Văn Dân (62 tuổi), người đang ở tại khu vực dưới gốc đa khẳng định, trước đây tuyến đê sông Đáy không phải như hiện nay mà được “chia” thành 2 nhánh khác nhau và đó có thể chính là dấu tích còn sót lại của mối hiềm khích giữa quan tướng công Nguyễn Danh Thế và vị quan nghè ở Tuy Lai (Mỹ Đức) kia. 

Theo như cụ Trương Hồng Diễn, trước đây cây đa chỉ nằm ở rệ chân đê và sau này khi bồi lấp thì dần dần mọc lan theo và nằm trên mặt đê như hiện nay và cây đa này phải có tuổi thọ hàng nghìn năm. Để khẳng định điều này, cụ Diễn còn cho rằng, trước đây trong gia phả của một dòng họ thuộc phủ Chương Đức xưa (nay là Chương Mỹ, Hà Nội) có ghi lại rằng: Khi vua Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long (1010), khi đi qua sông Đáy đoạn qua phủ Viên Nội ngày nay, người dân khi biết tin vua đi qua đây đã tụ tập nhau ở dưới gốc đa rồi kéo nhau ra bến sông đứng bái vọng thuyền rồng của vua. Ngoài ra, dưới gốc cây đa, theo lời các cụ xưa truyền lại có một tấm bia bằng đá xanh mà nhiều người gọi là “Bia Hạ Mã” có ghi rõ điều này.

Chiều cao của cây đa tới gần 40 mét

“Chứng nhân sống” của vùng đất

Đứng nhìn từ gốc,  thân cây ước cao gần 40m, thân cây lớn đến mức phải hơn 30 người ôm mới hết với cành lá sum suê tỏa bóng mát che phủ nên quanh năm những người dân đi qua đây đều hưởng bóng cây mát rượi. Gốc cây nhiều nơi chẻ hang, hốc to đến mức người ta có thể giăng võng nằm. Từ bao đời nay, do vị trí cây đa ở đầu làng, có tán cây xòe rộng, tạo bóng mát, nên dân làng khi đi làm đồng về thường dừng lại nghỉ chân, uống nước. Những ngày hè nóng bức người dân trong làng thường ra ngồi tụ tập, hóng gió, nghỉ ngơi.

Cụ Trần Văn Biên (Hội trưởng hội người cao tuổi xã Viên Nội, Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết, một số nhà khoa học từng đến đo đạc, đánh giá cây nhưng cuối cùng cũng không thấy đưa ra kết luận gốc đa này chính xác là bao nhiêu tuổi.

Trước năm 1945, thời Pháp thuộc, quan Tổng đốc Hà Đông đi qua đây, thấy cây đa to nên có ngồi nghỉ lại và có hỏi cây đa có từ bao giờ? Khi nghe người dân nói rằng không biết nên sợ rằng nếu cứ để cây đa như vậy thì khi nước lũ lên, rễ cây ăn xuyên qua sẽ làm hỏng thân đê nên quan Tổng đốc Hà Đông mới  ra lệnh chặt cây đa. Nghe lệnh quan trên như vậy, các chánh lý, cường hào trong xã quyết định triệu tập dân làng trong xã đến và truyền đạt lại lệnh trên giao. 

Khi đó, dân trong vùng cùng tâu với quan trên rằng nay lệnh quan đã truyền xuống như vậy thì dân làng cũng sẵn lòng đồng ý chặt đi để bảo vệ đê. Một cụ già đứng ra làm đại diện cho dân làng đưa cho quan Tổng đốc một con dao và  mời quan chặt vào gốc đa ba nhát và tuyên bố nếu cứ để gốc đa như vậy thì sẽ gây hại, có thể vỡ đê thì dân làng sẵn sàng vâng mệnh quan mà chặt hạ cây ngay lập tức. Nghe người dân nói như vậy, quan Tổng đốc không dám chặt vào thân cây, đành lặng thinh suy nghĩ một lúc rồi lên kiệu hạ lệnh đi ngay. Sau đó, lấy lý do vì đến cả quan trên cũng sợ không dám chặt thân cây nên cả làng, cả tổng cũng không ai dám đụng vào.

Vào khoảng tháng 4-1952, khi đó khu vực này là vùng tề của giặc Pháp đóng tại bốt Ba Thá - Miếu Môn. Do thường xuyên bị quân ta quấy đảo, quân giặc ăn không ngon, ngủ không yên. Biết tại đây có lực lượng du kích nên khi đi càn qua  khu vực này, giặc Pháp bắt 6 người dân trong xã đang trồng mía ở ven chân đê. Tướng giặc là tên quan Một có tên là Măng - Đen bắt tất cả xếp hàng rồi bắn chết toàn bộ ngay dưới gốc đa. Trong số 6 người bị bắn chết, có một du kích địa phương. Sau này, ngay gốc đa người dân đã xây một ngôi miếu nhỏ để cầu khấn cho vong linh người xấu số siêu thoát.