Huyền sử Ao Bà Om

ANTĐ - Tương truyền xưa kia, nam nữ muốn lấy nhau nhưng không bên nào chịu ngỏ lời trước. Nhân lúc trời hạn hán, dân làng tổ chức cho nam nữ trong làng thi nhau đào ao để lấy nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày và bên nào thua cuộc sẽ phải hỏi cưới bên thắng cuộc. 

Ao Bà Om ở Trà Vinh

Quy ước cuộc thi là chỉ đào trong một đêm, bắt đầu từ lúc trời tối và khi nào sao Mai mọc ở hướng Đông thì kết thúc. Nếu bên nào đào xong với diện tích lớn hơn và sâu hơn thì bên đó thắng cuộc. Sau khi thống nhất hai bên tiến hành đào ao, bên nữ do một người đàn bà tên Om chỉ huy đã nghĩ ra cách, khi trời vừa tối đã cho bày tiệc thết đãi, phục vụ rượu cho bên nam. Ỷ lại vào sức mạnh của mình, xem thường sự yếu đuối của phái nữ nên những người đàn ông không chú tâm đến việc đào ao mà chỉ mải mê uống rượu, đến nửa đêm khi phái nam đã ngà say, bà Om cho treo ngọn đèn trên cây thật cao, các ông cứ ngỡ là sao Mai đã mọc lên, nên đi về. Bà Om vẫn chỉ huy phái nữ tiếp tục đào ao và hoàn thành tốt công việc của mình cho đến khi sao Mai mọc thật sự mới về. Kết quả là phái nữ đã thắng cuộc. Kể từ đó, người ta lấy tên của bà Om đặt cho địa danh Ao Bà Om. Đây cũng là câu chuyện để giải thích về chế độ mẫu hệ của người Kh’mer ở Miền Tây Nam Bộ nước ta.

Ao Bà Om trong câu chuyện huyền sử của vùng đất Trà Vinh nằm ngay trên con đường dẫn vào đầu thành phố ngày nay. Ao được bao bọc trong một khu rừng xanh mát rợp bóng những hàng cây sao, cây dầu cổ thụ rất to, có bộ rễ nổi hình thù kỳ dị. Phong cảnh xung quanh ao hữu tình, nào hoa sen, hoa súng nở dưới ao, hàng cây cao ngút tầm mắt trên bờ tỏa bóng râm mát. Không chỉ có địa danh Ao Bà Om. Đến với Trà Vinh - vùng đất nhiều chùa tháp thứ 2 trong cả nước với 142 ngôi chùa Kh’mer cổ. Cùng với Chùa Hang (Kompông Chrây), Chùa Cò (chùa Nodol), chùa Âng (chùa Angkorajaborey) hay bãi biển Ba Động quanh năm gió lộng, nơi đây có những đụn cát “nhấp nhô”, với những hàng phi lao xanh vút và bãi cát phẳng lì trải dài đầy hấp dẫn. Ngoài ra, du khách còn có thể thưởng thức nhiều loại sản vật đã trở thành đặc sản của vùng quê ven biển này như dưa hấu Ba Động, nghêu Nhà Mát, tôm sú Cồn Cù, cá kèo kho gợt, nước mắm rươi....