Huy động thế nào để có 7 tỷ USD đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM- Cần Thơ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Bộ GTVT yêu cầu,  trong quý IV/2022, phải hoàn thành việc lấy ý kiến các địa phương, đơn vị về dự án đường sắt TP.HCM- Cần Thơ để triển khai các thủ tục tiếp theo, phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trước năm 2025 và triển khai đầu tư trước năm 2030.

Bộ GTVT vừa yêu cầu Ban QLDA Đường sắt chỉ đạo tư vấn khẩn trương hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Việc lấy ý kiến của các địa phương và các đơn vị có liên quan phải được hoàn tất trong quý III/2022, hoàn thiện trong quý IV/2022 để triển khai các thủ tục tiếp theo, phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trước năm 2025 và triển khai đầu tư trước năm 2030.

Theo Tư vấn lập nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có điểm đầu là ga An Bình (Bình Dương), điểm cuối là ga Cái Răng. Chiều dài toàn tuyến khoảng 174km với 13 nhà ga, đi qua 6 tỉnh, thành gồm: Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.

Bộ GTVT chỉ đạo, sớm hoàn thiện các thủ tục để đầu tư dự án đường sắt TP.HCM- Cần Thơ trước năm 2030

Bộ GTVT chỉ đạo, sớm hoàn thiện các thủ tục để đầu tư dự án đường sắt TP.HCM- Cần Thơ trước năm 2030

Quy mô đầu tư là đường đôi, sử dụng khổ đường sắt tiêu chuẩn 1.435mm, tốc độ thiết kế khoảng 190km/h cho tàu khách và 120km/h cho tàu hàng. Với vận tốc trên, thời gian chạy tàu giữa TP.HCM - Cần Thơ sẽ được rút ngắn chỉ còn 75 - 80 phút thay vì đi đường bộ mất từ 3-4 giờ như hiện nay.

Tổng mức đầu tư đề xuất đến thời điểm tháng 6/2022 khoảng 170.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 7 tỷ USD.

Đại diện Ban QLDA Đường sắt cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ cơ bản đi cùng hành lang, song song với tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, Bộ GTVT cũng yêu cầu Ban QLDA Đường sắt, tư vấn nghiên cứu, làm rõ thứ tự ưu tiên, phương án phân kỳ đầu tư của các hạng mục công trình nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, đảm bảo hiệu quả, tính khả thi của dự án.

Cùng đó làm rõ cơ cấu chi phí các hạng mục trong tổng mức đầu tư dự án, phương án huy động vốn, gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và huy động từ các nguồn vốn ngoài ngân sách.

Đại diện Ban QLDA Đường sắt thông tin, hiện nay vẫn đang bàn thảo nhiều phương án vốn, có thể 100% PPP, nghĩa là 100% vốn nhà đầu tư, nhà đầu tư sẽ hoàn vốn từ doanh thu chạy tàu, từ khai thác các lợi ích khác. Cũng có thể vốn của cả hai với tỷ lệ Nhà nước 20%, nhà đầu tư 80%...

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, đầu tư tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ là đầu tư cho lâu dài, đón bắt nhu cầu vận chuyển tăng cao trong tương lai.

Việc đầu tư đường sắt tốc độ cao là hợp lý để có thể chạy tàu hàng, đón bắt luồng hàng nông, thủy sản của khu vực miền Tây Nam bộ vận chuyển ra khu vực Đông Nam bộ và từ đó theo đường sắt Bắc - Nam ra các tỉnh phía Bắc hay xuất khẩu.