Hủy chặng đua F1 2020 tại Hà Nội: Quyết định đúng đắn, khó có lựa chọn khác

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Các đơn vị liên quan vừa thống nhất hoãn chặng đua Công thức 1 tại Việt Nam năm 2020, điều này gây nhiều tiếc nuối và những ý kiến khác nhau. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng việc hủy chặng đua trong năm nay là cần thiết vì cục diện chung, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp.
Hủy chặng đua F1 tại Hà Nội năm 2020 để ưu tiên chống dịch

Hủy chặng đua F1 tại Hà Nội năm 2020 để ưu tiên chống dịch

Nếu rủi ro dịch bệnh xảy ra, sẽ phải trả phí tổn rất lớn

Phân tích về nguyên nhân hủy chặng đua Công thức 1 tại Việt Nam năm 2020, TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, quyết định này xuất phát từ nhiều yếu tố rủi ro, trong đó hai rủi ro lớn nhất là nguy cơ dịch bệnh Covid-19 và hiệu quả kinh tế.

Về nguy cơ dịch bệnh, hiện nay, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, còn tại Việt Nam chúng ta đã kiểm soát tương đối tốt. Vì vậy, theo ông, ưu tiên hàng đầu phải là đảm bảo an toàn cho xã hội và nền kinh tế, nếu chúng ta tiếp tục tổ chức thì rủi ro lây lan dịch bệnh là lớn, mà khi dịch bệnh quay lại thì chúng ta sẽ phải trả phí tổn vô cùng lớn về mọi mặt.

Thứ hai là vấn đề hiệu quả kinh tế, chi phí những nhà đầu tư và Nhà nước bỏ ra, như đầu tư cơ sở hạ tầng, quảng bá… rất lớn, việc thu có bù lại được không? “Trên thực tế, chúng ta có thể học một số nước là tổ chức giải online, tức là không có khán giả xem trực tiếp nhưng sẽ thu về bằng bán bản quyền, bằng quảng cáo. Cái này thì rất khó, vì thời gian còn lại rất ngắn không đủ để thực hiện” – TS Võ Trí Thành phân tích.

Về các ý kiến cho rằng việc hủy chặng đua sẽ giảm uy tín, hình ảnh của Việt Nam khi chúng ta đã cam kết nhưng không thực hiện… “Nhưng tôi không nghĩ cái này là vấn đề quá lớn vì trong bối cảnh dịch bệnh như thế này có thể coi là trường hợp bất khả kháng, đơn vị tổ chức họ cũng sẽ hiểu được” – ông nói.

Tuy nhiên, ông cho rằng đó là những phân tích theo một cách logic hình thức và cảm xúc, còn vấn đề quan trọng là phải xem xét đến hợp đồng giữa các bên. Vì trong hợp đồng sẽ có những giao kèo trong trường hợp bất khả kháng, thì dịch bệnh như thế này có được coi là trường hợp bất khả kháng hay không, phía Ban tổ chức và ta đã đàm phán ra sao?

Về phía các nhà đầu tư, khi họ đầu tư vào dự án này mà bị hủy thì thiệt hại cũng rất lớn. Nhưng vị chuyên gia cho rằng có những cái mà chúng ta phải chấp nhận. “Hiện nay làm ăn trong thế giới bất định như thế này thì tôi nghĩ các doanh nghiệp cũng đã rất quan tâm đến các vấn đề về quản trị rủi ro, lường trước những rủi ro” – TS Võ Trí Thành nói.

Quyết định cần thiết để ưu tiên phòng chống dịch

Nêu quan điểm về quyết định hủy chặng đua F1 tại Việt Nam năm 2020, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho hay, ở góc độ hẹp, đây là một thiệt thòi cho Hà Nội vì các bên đã tốn chi phí đầu tư cho chặng đua này. Bên cạnh đó, mục tiêu khai thác du lịch, kinh doanh thể thao cũng không đạt được.

“Nhưng ở góc độ kinh tế rộng thì đây là quyết định cần thiết, vì trong mùa dịch này, khách quốc tế đến, có thể mang theo mầm bệnh. Trong khi đó khách trong nước đa số chưa đủ kinh phí để tham gia, xem chặng đua này nên dừng chặng đua là một quyết định đúng đắn, vừa đảm bảo ưu tiên phòng dịch, vừa không gây thêm thiệt hại về kinh tế”- ông Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Nếu tổ chức giải đua xe mà không có khách nước ngoài thì mục tiêu kinh doanh, quảng bá du lịch sẽ không thể đạt được. Còn nếu chỉ làm để phục vụ khách trong nước thì nguồn thu từ giải đấu sẽ không đủ, bởi lẽ đây là môn thể thao mới mẻ, chưa nhiều người dân Việt Nam biết đến và có nhu cầu xem. Mặt khác, khả năng kinh tế của người dân Việt Nam cũng hạn chế.

Theo vị chuyên gia này, hiện tại vẫn đang là thời điểm hạn chế tập trung đông người nên đây là quyết định đúng đắn, không có lựa chọn khác. Hà Nội đã cân nhắc các yêu cầu vĩ mô và yêu cầu chống dịch mới đưa ra quyết định này.

Tuy vậy, ở góc độ khác, quyết định này cũng khiến những người có nhu cầu xem giải đua xe có cảm giác hụt hẫng. “Nhưng ở thời điểm này, các nhu cầu vui chơi giải trí sẽ bị gác sau các nhiệm vụ phòng bệnh, chữa bệnh, nhu cầu ăn uống, học hành”- ông Nguyễn Minh Phong nói.

Về việc đề xuất cơ chế, chính sách cho chủ đầu tư bị ảnh hưởng bởi quyết định này, ông Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm, đề xuất này cần căn cứ vào cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính giữa các bên đã ký kết. Nếu hợp đồng có yếu tố rủi ro bất khả kháng thì nhà đầu tư phải chịu, còn rủi ro do yếu tố vĩ mô gây ra… thì cơ quan quản lý có biện pháp hỗ trợ.

Quyết định đúng đắn

Chia sẻ với báo chí về quyết định nêu trên, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nói: “Không cần bàn cãi về tính đúng đắn của quyết định ấy. Sự lựa chọn của Hà Nội là dũng cảm và sáng suốt. Chúng ta cần đảm bảo an toàn cho xã hội và cho nền kinh tế trước làn sóng Covid-19 lần thứ hai đang bùng dậy”.

Theo ông Trần Đình Thiên, dịch bệnh bất khả kháng và khó ai dám đoán chắc rằng sẽ không có làn sóng thứ ba tiếp tục bùng nổ trên thế giới. Đặc biệt là khi mùa đông đang đến ở nhiều nơi, trong đó có Việt Nam, tình hình lây lan sẽ ngày càng phức tạp hơn.

Ở góc độ kinh tế, ông Trần Đình Thiên cho rằng, kỳ vọng vào việc tổ chức giải đấu để mai lại hiệu quả kinh tế ở thời điểm này là không tưởng. Do đó, hủy giải đua năm 2020 là để giảm thiểu thiệt hại. Ở góc độ người dân, do đa số đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 nên quyết định này sẽ không gây phản cảm.

Ông Trần Đình Thiên cũng nhận định, việc hủy chặng đua F1 tại Hà Nội có thể phải kéo dài lâu hơn do dịch bệnh khó lường.