Hút thuốc lá nơi công cộng: Khi sự ích kỷ "lên ngôi"

ANTĐ - Hiện nay, không khó để chúng ta chứng kiến cảnh những người đàn ông hút thuốc lá phì phèo ở nơi công cộng như trạm dừng xe bus, công viên, vườn hoa hay các quán cafe, mặc cho xung quanh có cả trẻ em và phụ nữ có thai. Đáng nói là câu chuyện “khổ lắm nói mãi” này ngày càng có nguy cơ phổ biến hơn.

Người ám thuốc dù... chẳng hề hút thuốc

Mặc dù đã có những quy định cụ thể về việc cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng, cũng như tại các công sở, song trên thực tế thì... hút hay không là tùy thuộc số đông.

Ở một cơ quan nhà nước trên đường Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm), chị Vũ  V. (33 tuổi) làm việc ở bộ phận có nam giới chiếm số đông. Vậy là dù cơ quan đã có quy định "nghe có vẻ" nghiêm khắc về việc kỷ luật nếu hút thuốc trong phòng làm việc, cũng như đã có nơi hút thuốc dành riêng, thì cán bộ, nhân viên các phòng vẫn thản nhiên "đốt thuốc" ngay tại bàn.

"Chỗ mình là văn phòng theo mô hình phổ biến hiện nay, nên điều hòa trung tâm chạy cả cơ quan. Còn các phòng phân cách nhau bằng vách ngăn thạch cao thấp, phòng nọ thông không gian phía trên sang phòng kia. Thành ra chỉ cần một phòng hút thuốc là các phòng khác lĩnh đủ. Vì chỗ mình nhiều nam nên chẳng ai nói được, họ cứ thản nhiên hút thôi, mà đâu chỉ có một phòng, vào giờ hành chính thì cả 3, 4 phòng đồng loạt nhả khói, lại đóng cửa vì bật điều hòa chung nên càng ngột ngạt kinh khủng", chị V. chia sẻ.

Những hình ảnh như thế này đang ngày càng phổ biến khắp nơi, đàn ông hú thuốc bên cạnh trẻ nhỏ và phụ nữ có thai

Theo chị V., những người hút thuốc tại đây còn vô ý thức tới mức dù có người sang đề nghị không hút thuốc trong phòng làm việc, thì chỉ được một lúc sau là mọi thứ lại đâu vào đấy.

“Phòng có em gái đang mang thai, mà chẳng thể làm được gì. Cô ấy đành ‘sống chung với lũ’ bằng việc bịt chặt mũi, cầm cốc nước nóng đưa lên miệng và mũi để hơi nước phả bớt mùi khói thuốc lá nồng nặc”, chị V. cho biết thêm.

Ngoài chuyện thản nhiên đốt thuốc ngay tại phòng làm việc, nhiều người cũng không ngần ngại “nói chuyện trong khói thuốc” ở các quán café đông khách.

Chị Bích Thảo (28 tuổi) thường hay lui tới quán café trên phố Tông Đản (quận Hoàn Kiếm) để làm việc sau mỗi cuộc họp. Vậy nhưng điều khó chịu nhất là dù không gian quán nhỏ, có nhiều phụ nữ ngồi trong nhưng những người đàn ông vào uống café tại đây vẫn thản nhiên châm thuốc, nhả khói mù mịt trong không gian điều hòa mà không chịu ra bàn đặt ngoài trời.

“Mình đang có bầu, nên rất ý thức việc phải tránh ảnh hưởng của khói thuốc độc hại. Khi có người đàn ông ngồi cạnh hút thuốc, mình đã phải ra nhẹ nhàng nhờ anh đừng hút nữa, anh ấy có vẻ không thoải mái nhưng cũng đi ra ngoài. Vừa được 2 phút thì 3 người đàn ông ở 3 bàn khác nhau đồng loạt châm thuốc. Vì đặc thù công việc buộc phải làm cho xong nên mình đành cố gắng chịu đựng bằng cách vừa bít mũi vừa làm việc nhanh nhann. Mình gặp cảnh này không chỉ trong các quán café mà còn ở các phòng tập, công viên công cộng. Nhìn thấy phụ nữ có thai, trẻ nhỏ ở cạnh mà họ vẫn thản nhiên hút. Đó là sự ích kỷ chứ không chỉ là vô ý thức được”, chị Thảo bày tỏ.

Cũng bởi bị “hun” trong môi trường đặc khói thuốc như vậy nên những người “hút thuốc thụ động” như chị V., chị Thảo nhiều khi rơi vào cảnh dở khóc dở cười, bởi khi về nhà, quần áo, đầu tóc của họ… ám đặc, khen khét mùi khói thuốc.

Mô hình “không gian không khói thuốc” khó khả thi

Rõ ràng, tác hại của việc phải “hút thuốc lá thụ động” là điều ai cũng biết, trong bối cảnh các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên cảnh báo. Do vậy, khó có thể nói rằng những người cầm điều thuốc “phì phèo” trong không gian chung… không biết, không hay.

Hiện nay, một số chủ kinh doanh quán café hay quán game đã mở ra mô hình “không gian không khói thuốc”, trong đó có phòng riêng dành cho những người không hút thuốc.

Chị Quỳnh Trang – chủ một quán game trên phố Tô Hiệu (quận Cầu Giấy) – cho hay: “Từ ngày mở phòng game không khói thuốc thì kỳ lạ là phòng này bao giờ cũng hết máy trước phòng hút thuốc lá. Điều này chứng tỏ không phải game thủ nào cũng “đốt thuốc” kinh khủng như mọi người nghĩ, và những ai không ưa khói thuốc thì có tâm lý rất thoải mái khi có không gian riêng dành cho mình”.

"Hút thuốc là quyền của tôi, còn... hít phải hay không là quyền của các vị!"

Tương tự, chủ một quán café ở đường Hàm Nghi (quận Nam Từ Liêm) là anh Nguyễn Tú cũng cho biết, sau một thời gian nhiều khách phàn nàn vì phải ngồi chung với những người hút thuốc, anh đã quyết định chia quán ra làm 2 để tạo không gian riêng cho những ai không hút.

“Phản ứng từ các khách hàng rất tích cực, vì không chỉ có những nhóm khách là chị em phụ nữ, nhiều khách nam giới cũng không muốn trở thành “nạn nhân” của thuốc lá thụ động”, anh Tú chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải cơ sở kinh doanh nào cũng có thể tạo ra không gian riêng như vậy, bởi theo nhiều chủ quán café hay quán game, chi phí đầu tư mà họ phải bỏ ra là không hề nhỏ.

“Một trong những điểm hút khách của quán café là không gian được trang trí theo phong cách riêng, vì thế, nếu chia đôi thành 2 phòng riêng biệt thì rất tốn kém. Đó là chưa kể giá thuê diện tích đắt đỏ, nên nếu không có mặt bằng đủ rộng thì không thể làm quán phục vụ 2 thành phần riêng rẽ như vậy được”, chị Hương – một chủ quán café ở đường Trần Đại Nghĩa – cho hay.

Bên cạnh đó, tại những địa điểm công cộng như công viên, vườn hoa, pháp luật đã quy định việc không được phép hút thuốc lá, nhưng thực tế tình trạng vi phạm vẫn tràn lan. Do vậy, khó có thể nói rằng các giải pháp hạn chế việc hút thuốc lá nơi công cộng hiện nay có tác dụng hiệu quả.

Cho tới giờ, chưa cơ quan chức năng nào có thể thống kê có bao nhiêu trường hợp vi phạm lệnh cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng, cũng như xử phạt được những trường hợp nào. Điều đó đã cho thấy bất cập rất rõ ràng, và một câu hỏi rất dễ đặt ra nhưng rất khó để trả lời hiện nay là: Khi gặp những trường hợp vi phạm như vậy, người bị ảnh hưởng có thể khiếu nại tới ai để xử lý và chấm dứt các vi phạm?

Thiết nghĩ, nếu cơ quan chức năng không thiết lập một đường dây nóng để tiếp nhận tố cáo và xử lý kiên quyết với những cá nhân vô ý thức xả khói thuốc tại nơi công cộng và các địa điểm bị cấm, gây ảnh hưởng tới người khác, thì tình trạng vi phạm chắc chắn sẽ còn tràn lan như hiện nay.