Hút hồn theo những nhân vật kiệt xuất nhà Trần

ANTĐ - Sau 8 năm học chuyên Toán và 6 năm Đại học Y Hà Nội, Lưu Sơn Minh bỗng chán. Anh đột ngột chuyển sang viết văn. Từ cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên “Trần Quốc Toản” đến “Trần Khánh Dư”, Lưu Sơn Minh dành hẳn 8 năm chỉ để tìm lại sự công bằng cho một nhân vật kiệt xuất và ghét cay ghét đắng cái nhìn phiến diện một chiều. 

Hút hồn theo những nhân vật kiệt xuất nhà Trần ảnh 1

Trần Quốc Toản còn là một dũng tướng

- PV: Đã học xong 6 năm Đại học Y Hà Nội, tương lai rộng mở trước mắt, sao anh lại từ bỏ để lao vào lĩnh vực văn chương?

- Nhà văn Lưu Sơn Minh: Tôi cũng không hiểu quyết định của mình lúc ấy. Dù tôi học văn chẳng giỏi lại là dân chuyên Toán. Tôi nhớ, bài văn tôi viết thấy ưng ý nhất thì lại bị thầy giáo nghi ngờ sao chép của ai đó. Nhưng có lẽ, tiểu thuyết lịch sử đã chọn tôi, dù từ trước tới nay vốn là đề tài thuộc về các nhà văn già, nghiêm túc, có vốn sống dày dạn. 

- Là nhà văn trẻ, tính tình lại nhởn nhơ, nhìn anh chẳng ai tin Lưu Sơn Minh lại nặng nợ với các nhân vật lịch sử?

- Tôi yêu lịch sử từ bé. Ông ngoại đã dành cho tôi cả một tủ sách và rồi tôi đã sống cùng các nhân vật lịch sử nhiều hơn chơi với các bạn. Lớn hơn, tôi xem các vở kịch và luôn suy nghĩ về số phận các nhân vật, đặt ra câu hỏi và cảm thấy chưa thỏa đáng với cách nhìn nhận “đóng đinh” như vậy.

Tôi viết tiểu thuyết lịch sử để soi xét lại, kể lại câu chuyện về các nhân vật bằng cái nhìn khách quan, nhiều chiều. Như Trần Quốc Toản, trong chuyện lịch sử các em học sinh được học chỉ là một cậu bé bóp nát quả cam với lòng yêu nước nhưng ông còn là một dũng tướng nhà Trần. 

- Tính anh chắc cũng rành rẽ, không mấy khi chịu chấp nhận những điều chưa sáng tỏ?

- Lịch sử là một kho báu bất tận, chứa đựng những điều ly kỳ và thú vị, những nghi vấn và thắc mắc không dễ gì để tìm ra. Càng tìm hiểu về lịch sử, tôi càng hiểu những dòng chữ nhỏ nhoi, những con chữ bé tí tẹo đã được các sử quan cài trong các dòng thông tin cô đúc. Nếu chỉ đọc lướt qua, chúng ta sẽ không biết ẩn sâu dưới những tầng chữ ấy là những diễn biến kinh thiên động địa, những số phận. Việc của tôi là đi giải mã những bí mật ấy và diễn giải sao cho dễ đọc nhất.

- Theo anh, tố chất để một nhà văn viết truyện lịch sử là gì?

- Bỏ qua tuổi tác, nhà văn đó phải am hiểu về binh pháp, tử vi, dư địa chí, phong tục, văn hóa… và có trách nhiệm với nhân vật. 

Hút hồn theo những nhân vật kiệt xuất nhà Trần ảnh 2

Nhà văn Lưu Sơn Minh tặng sách cho độc giả nhỏ tuổi

Nhiễm tính cách của Trần Khánh Dư

- Nghe nói, anh có ý định đi tìm sự công bằng cho Trần Khánh Dư trong cuốn sách vừa ra mắt?

- Trần Khánh Dư có công với nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, nhưng cũng là người có tội. Cuộc đời của ông có quá nhiều giai thoại và đứng ở những góc độ khác nhau, mỗi người sẽ nhìn nhận và đánh giá công - tội của Trần Khánh Dư khác nhau.

Tôi mong muốn sẽ trả lại sự công bằng cho ông với cuốn tiểu thuyết mang cái nhìn đa chiều, về các mối quan hệ của ông để người đọc hình dung được tài năng, tố chất và sự đơn độc của Trần Khánh Dư. Hay đúng hơn, tôi đang viết về thân phận một con người.

- Xây dựng nhân vật Trần Khánh Dư bằng xương bằng thịt, sống cách đây cả mấy trăm năm, anh làm thế nào để thuyết phục được người đọc?

- Khi viết cuốn sách này, tôi phải “dìm” bản thân mình vào nhân vật. Có những tình huống mà giả sử là Trần Khánh Dư thì ông ấy cũng khó chấp nhận, đến đó thì tôi dừng lại, nghiền ngẫm thêm. Cứ như vậy, cuốn sách đã phải mất đến 8 năm để hoàn thành.  

- 8 năm sống cùng nhân vật, anh có bị nhiễm tính cách của Trần Khánh Dư?

- Trần Khánh Dư được liệt vào hàng các nhân vật đơn độc nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông tài giỏi, có cách suy nghĩ, hành xử như con người của thế kỷ 21 nhưng lại quá lẻ loi ở giai đoạn lịch sử ấy. Trần Khánh Dư ban lệnh cho các cư dân ở Vân Đồn phải đội mũ lá kiểu nhà Trần để phân biệt giữa người bản xứ và dân nhập cư.

Rồi chính ông lại mua mũ về bán cho dân. Thời đó, người ta cho việc làm này của ông là tham lam, nhưng tôi lại thấy ông quá hiện đại. Với khoảng thời gian “ăn ngủ” cùng nhân vật lại nhiễm tính cách của Trần Khánh Dư, tôi cũng thấy mình trở nên ngông và ham chơi hơn. 

- Thế nên Lưu Sơn Minh chắc chưa thể ra sách, nếu không bị ai đó... quất vào người?

- Tôi viết cuốn sách này theo lối nhẩn nha, lúc viết, lúc chơi. Đợt World Cup 2014, trong thời gian diễn ra các trận bóng đá, tôi bật vô tuyến lên, ti vi cứ chạy, còn người cứ viết. Suốt 1 tháng trời như thế, tôi đã hoàn thành hòm hòm bản thảo rồi lại cất đi cả năm trời không đụng đến. Chỉ đến khi gặp được Giám đốc Công ty Đông A, bị thúc ép nhiều quá, tôi viết liền một mạch và hoàn thiện cuốn sách để ra mắt vào dịp này. Đúng là nếu không bị... quất vào người, thì tôi còn lâu nữa mới xong được tác phẩm. 

Muốn lý giải những uẩn khúc trong lịch sử

- Mối tình giữa Trần Khánh Dư và Thiên Thụy, con dâu trưởng của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn gây nhiều tranh cãi. Quan điểm của anh như thế nào khi miêu tả về mối tình này?

 

- Ở mối tình ngang trái này, tôi chỉ đi sâu vào miêu tả sự éo le của cuộc tình và sự cô đơn của Trần Khánh Dư đến cuối đời. Một con người như Trần Khánh Dư không thể có được một tình yêu đơn thuần và Thiên Thụy chính là người đã đi qua cuộc đời ông và để lại nhiều dấu ấn sâu đậm.  

- Anh miêu tả về mối tình ấy rất đẹp, nhiều người đã suýt xoa cho cái tài của nhà văn khi viết về tình yêu của nhân vật lịch sử này?

- Trước đây, tôi viết cuốn “Trần Quốc Toản”, nhiều người bảo tôi già nua, viết như một người cầm bút đã có tuổi. Bởi trong cuốn sách, tôi đã sử dụng quá nhiều từ cổ và khư khư giữ các chi tiết đã được ghi trong “Đại Việt sử ký toàn thư”. Nhưng đến cuốn sách này, tôi thấy rất vui vì mình đã vượt qua những rào cản về mặt chữ nghĩa và tư duy để người đọc hình dung được cái đẹp của cuộc tình này. Đúng là ở “Trần Quốc Toản”, tôi đã sử dụng “vàng mã của lịch sử”. Còn ở cuốn này, tôi đã thật hơn rất nhiều. 

- Từ Trần Quốc Toản đến Trần Khánh Dư, anh dành rất nhiều tâm huyết để kể về triều đại nhà Trần?

- Đúng hơn thì tôi bị hút hồn theo các nhân vật kiệt xuất của nhà Trần và luôn muốn lý giải những uẩn khúc trong cuộc đời họ. Tôi nhìn vào dòng chảy của các con chữ để cảm nhận, rồi hư cấu theo hướng suy nghĩ nhưng tôi cũng không có ý định bịa ra các chi tiết để minh oan cho nhân vật. Thời gian tới, tôi sẽ viết cuốn tiểu thuyết về trận Bạch Đằng giang.  

- Nhuận bút từ viết tiểu thuyết có giúp anh sống khỏe?

- 8 năm mới ra mắt được một cuốn sách, nhuận bút chỉ đủ chơi chơi. Tôi sống chủ yếu bằng nghề báo, bằng công việc quản lý tại Tạp chí Mặt trời nhỏ. Nói thực, nghề văn, dẫu mỗi tháng có viết ra một cuốn cũng không thể sống được bằng nghề. 

- Vất vả thế, sao anh lại chọn nghiệp viết văn?

- Tất cả là duyên nghiệp!

- Xin cảm ơn nhà văn Lưu Sơn Minh!