Hướng mở cho dịch vụ gọi điện, nhắn tin miễn phí

ANTĐ - Trái ngược với nhiều đồn đoán cho rằng, doanh nghiệp viễn thông sẽ “đối đầu” với doanh nghiệp OTT, buổi toạ đàm “Dịch vụ OTT ở Việt Nam và chính sách quản lý” diễn ra sáng 5-9 đã đem lại nhiều bất ngờ khi doanh nghiệp viễn thông tỏ ra khá cởi mở. 

Zalo một trong những ứng dụng OTT miễn phí hàng đầu thu hút khách hàng

Doanh thu của nhà mạng giảm vì OTT

OTT được hiểu là ứng dụng liên lạc di động hoạt động trên nền tảng Mobile internet. Phát biểu khai mạc toạ đàm, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng đánh giá, dịch vụ OTT mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng, đặc biệt về giá cước, nhưng lại đặt ra không ít thách thức đối với các doanh nghiệp viễn thông. Bên cạnh đó là vấn đề thất thu thuế và nguy cơ mất an ninh khi tội phạm quốc tế có thể lợi dụng liên lạc bí mật để khai thác thông tin.

Làm rõ những tác động tiêu cực từ OTT, ông Võ Đăng Thiên - Tổng Biên tập Báo Bưu điện Việt Nam cho rằng các dịch vụ: Viber, Zalo, Kakao Talk hay Line… đang khiến nhà mạng “mất ăn mất ngủ”. Những ứng dụng trên đều miễn phí, được nhiều người sử dụng khiến doanh thu của nhà mạng giảm, trong khi đó, số người dùng dịch vụ này không ngừng tăng lên. Tính đến tháng 4-2013, Việt Nam có 4 triệu người dùng Viber và dự kiến hết năm 2013, con số này sẽ tăng lên 10 triệu. Tương tự, Zalo đang được 4 triệu người dùng và cả năm dự kiến có 5 triệu người sử dụng; Kakao Talk và Line sẽ có khoảng 2 triệu người sử dụng đến cuối năm nay. Nửa đầu năm 2012, doanh thu của Viettel giảm 1.500 tỷ đồng do ứng dụng OTT. MobiFone cũng thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm vì OTT. 

Cú hích khiến nhà mạng chuyển đổi

Không đồng tình quan điểm trên, ông Vương Quang Khải - Phó Tổng giám đốc Công ty VNG, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Zalo phân tích: liên lạc qua OTT rất thuận tiện và hình thức phong phú. Người dùng có thể nhắn tin, gọi điện, gửi hình ảnh, gửi tin nhắn thoại… nên cảm thấy thân thiện và tiết kiệm hơn. Ông Vương Quang Khải cho rằng chính các nhà mạng cũng đang thu lợi từ dịch vụ OTT vì người dùng sẽ tăng cước 3G cho nhà mạng, bên cạnh đó còn có khả năng mở ra kênh thanh toán mobile. “Nhà nước nên có chính sách quản lý với dịch vụ này, tránh tình trạng doanh nghiệp OTT luôn lo ngại bị dừng hoạt động. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn được hợp tác với các nhà mạng để cung cấp dịch vụ tốt hơn” - ông Vương Quang Khải nói. 

Trái ngược với dự đoán cho rằng nhà mạng đang “lo ngay ngáy” khi bị giảm doanh thu vì OTT, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc  Viettel khẳng định: “Đây là cú hích cho các nhà mạng, khiến nhà mạng buộc phải chuyển đổi, là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực viễn thông”. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, doanh nghiệp viễn thông không sợ dịch vụ OTT vì họ sở hữu hạ tầng viễn thông và hàng triệu khách hàng. Các nhà mạng lâu nay chỉ chú trọng khai thác, phát triển dịch vụ thoại và nhắn tin. Do OTT đang cung cấp các dịch vụ này miễn phí nên doanh thu từ dịch vụ này của nhà mạng giảm. Tuy nhiên, “bức tranh mới của nhà mạng trong tương lai là 1/4 đến 1/3 doanh thu đến từ dịch vụ thoại; 1/3 từ dịch vụ data và phần còn lại là mobile banking… Và đương nhiên, nhà mạng cũng đang tìm hiểu để hợp tác với doanh nghiệp OTT. 

Thừa nhận lợi ích từ OTT song lãnh đạo Viettel cho rằng, cần có khuôn khổ pháp lý cho OTT vì hiện nay, dịch vụ này đang hoạt động không có đăng ký kinh doanh, cạnh tranh không bình đẳng với doanh nghiệp viễn thông, không phải nộp thuế... Mặt khác, dịch vụ OTT đang được cung cấp miễn phí cho khách hàng nhưng có thể doanh nghiệp lại bán thông tin khách hàng mà không bị pháp luật cấm. Từ đó, gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. “Để OTT phát triển bền vững thì bản thân doanh nghiệp OTT cũng phải hướng đến các dịch vụ khác nữa để tồn tại lâu dài” - ông Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý.