Hướng dẫn viên du lịch - chính quy thì ít, nghiệp dư thì nhiều

ANTĐ - Trước nhu cầu du lịch của người dân ngày càng tăng thì mong muốn về một đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) du lịch chuyên nghiệp, tận tâm càng cấp thiết. Dù đã phát triển đáng kể, song đội ngũ HDV du lịch ở nước ta hiện nay vẫn ở trong tình trạng vừa thiếu, vừa yếu…

Khi HDV nói xấu đất nước mình

Hoạt động hướng dẫn du lịch bao gồm cung cấp các thông tin cho quảng cáo, tiếp thị du lịch, đón tiếp và phục vụ khách, giới thiệu các đối tượng tham quan du lịch trong chuyến du lịch, phục vụ khách về các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển, mua sắm, giải trí, y tế... Đối với các công ty du lịch, HDV là bộ mặt của công ty.

Thời gian gần đây, số lượng du khách nội địa và nước ngoài đều tăng cao nên nhu cầu về HDV du lịch cũng tăng mạnh. Đối tượng có nhu cầu làm HDV du lịch cũng khá đa dạng, thường là sinh viên khoa Du lịch, khoa Báo chí, Ngữ văn... Song, để trở thành một HDV du lịch chuyên nghiệp, đòi hỏi người tìm việc làm cần có những kỹ năng cần thiết như nhanh nhẹn, hòa đồng, thông thạo 3 ngoại ngữ trở lên, ngoại hình chuẩn, ăn nói lưu loát, chấp nhận đi xa và chịu được áp lực công việc. Dù nghề HDV du lịch khá vất vả, nhưng số nữ HDV vẫn đông hơn so với nam giới. Khi hướng dẫn khách, đòi hỏi HDV phải có kiến thức vững vàng bởi trước một câu hỏi nào đó của khách, nếu HDV tỏ ra lúng túng hoặc trả lời sai, cả doanh nghiệp lữ hành sẽ mất uy tín. 

Có một thực tế đáng buồn là khi hướng dẫn cho khách, một số HDV còn công khai… nói xấu nước mình. Ông Lê Trung Liên, ở phố Hàng Than, quận Hoàn Kiếm bức xúc: “Một lần khi đang tham gia tour ở Nhật Bản, HDV người Việt Nam đã hồn nhiên giới thiệu: “Hành vi xả rác, nhổ bã kẹo cao su ở đây bị phạt rất nặng nhưng ở Hà Nội thì... khác hẳn, cả thành phố chẳng khác nào một bãi rác công cộng”...

Không dừng lại ở đó, mỗi lần giới thiệu về phong tục tập quán hay cảnh đẹp ở Nhật, HDV này đều liên tưởng, so sánh với những vấn đề tương tự ở nước ta với cách nói chê bai, coi thường. Khi trong đoàn du lịch có người hưởng ứng theo, những liên tưởng ấy được thêm thắt nhiều hơn. Điều này khiến tôi thực sự thất vọng và phải đặt câu hỏi: “Không biết trong quá trình đào tạo HDV, các công ty du lịch có trang bị cho họ đầy đủ kiến thức để hành nghề hay không, họ có được giảng dạy rằng đối với mỗi con người Việt Nam, dù ở đâu hay làm bất cứ công việc gì, điều quan trọng nhất là phải có lòng tự hào dân tộc?”.

Một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp phải đảm bảo rất nhiều kỹ năng. (Ảnh minh họa)

Về vấn đề này, một đại diện của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, việc một số HDV khi giới thiệu cho khách phát ngôn không chuẩn, làm xấu đi hình ảnh đất nước là có thật. Nếu xác định được hành vi vi phạm HDV sẽ bị phạt tiền, thậm chí là bị tước thẻ hành nghề. Theo thống kê, đến nay ngành du lịch có khoảng 15.000 hướng dẫn viên, thuyết minh viên, trong đó có trên 6.000 hướng dẫn viên du lịch quốc tế với nhiều thứ tiếng. Tuy nhiên, do việc tăng quá nhanh về số lượng, đa dạng về ngôn ngữ, môi trường hoạt động nghề nghiệp đã khiến chất lượng của đội ngũ này suy giảm. Bên cạnh đó, lượng HDV được đào tạo bài bản chính quy không nhiều, phần lớn từ các ngành nghề khác được bổ túc kiến thức về du lịch trong thời gian ngắn nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng HDV. Ngoài ra, việc tổ chức đào tạo không đến nơi đến chốn của một số trường cũng dẫn đến chất lượng HDV chưa cao. 

Cộng tác viên chiếm số đông

Để tuyển HDV, vào đầu mùa du lịch, các công ty du lịch, lữ hành thường tìm đến các khoa, trường đào tạo chuyên ngành để tuyển những sinh viên có kết quả học tập cao, có thể đáp ứng yêu cầu của công ty. Trước nhu cầu về HDV du lịch ngày càng tăng, một số đầu mối cung cấp cộng tác viên (CTV) hướng dẫn, CLB hướng dẫn viên… đã được hình thành. Ngoài số ít doanh nghiệp lớn có đội ngũ HDV chuyên nghiệp thì đa phần các công ty du lịch, lữ hành sử dụng đội ngũ CTV như lực lượng chính. Do hạn chế về vốn kiến thức và kinh nghiệm nên các CTV này hầu như chỉ được mời tham gia các tour du lịch nội địa và trong thành phố với số lượng khách không nhiều, phạm vi di chuyển hẹp. Ngoài ra, do những HDV này chỉ bị ràng buộc bởi hợp đồng ngắn hạn với những điều khoản thiếu chặt chẽ nên khi có sự cố xảy ra, rất khó xử lý họ.

Tuy đang là sinh viên nhưng Lê Thu Lan - sinh viên ĐH Văn hóa Hà Nội đã có 2 năm làm CTV hướng dẫn du lịch. Trung bình với mỗi tour nội địa, Lan được trả 200.000đồng/ngày, tour trong thành phố được 100.000đồng/ngày. Lan chia sẻ: “Không chỉ có thêm thu nhập để trang trải cho việc học tập mà càng đi tour nhiều, em càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nhất là sự khéo léo, mạnh dạn trong giao tiếp với khách và linh hoạt hơn trong việc xử lý các tình huống phát sinh. Đối với HDV nữ, vất vả nhất là phải tham gia các tour  vào ban đêm. Trong khi khách được ngủ thoải mái thì các HDV phải tìm mọi cách để… tỉnh ngủ.

Bên cạnh đó, trong các chuyến đi, chuyện khách bỗng dưng muốn thay đổi lịch trình diễn ra khá thường xuyên. Trong trường hợp này đòi hỏi HDV phải khéo léo tìm hướng giải quyết để vừa đảm bảo quyền lợi, uy tín của công ty, vừa không làm mất lòng khách. Đợt đưa khách du lịch tới động Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình vừa qua đã để lại cho em nhiều kỷ niệm thú vị. Khi đi thuyền vào trong hang, một số khách nước ngoài nằng nặc đòi nhảy xuống tắm. Điều này là trái quy định, nên ngoài việc nói cho họ biết việc tắm ở đây sẽ nguy hiểm đến tính mạng, em còn tranh thủ kể một số mẩu chuyện vui, tổ chức thi văn nghệ tại chỗ để…hoãn binh!”.

Theo Nghị định số 16/2012/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch mới được Chính phủ ban hành ngày 12-3: HDV du lịch có một trong các hành vi: Hướng dẫn khách du lịch mà không có thẻ HDV, sử dụng thẻ giả, giấy chứng nhận thuyết minh viên giả để hành nghề; giới thiệu sai lệch giá trị văn hóa, lịch sử, đất nước, con người Việt Nam, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh, truyền thống, đạo đức, thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam... sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

(Còn nữa)