Tiềm năng hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ (1):

Hợp tác với Việt Nam giúp nâng cao khả năng của quân đội Mỹ

ANTĐ - Thông tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ủng hộ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam đã cho thấy, quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước đã bắt đầu đi vào giai đoạn thực chất.

Sau 21 năm bình thường hóa, quan hệ Việt-Mỹ mới đi vào thực chất

21 năm đã trôi qua kể từ khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt tuyên bố bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước vào ngày 11/7/1995, có thể nói rằng, quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước mới bắt đầu đi vào thực chất.

Theo các học giả quốc tế, gần 20 năm trước, Việt-Mỹ đã bình thường hóa quan hệ và đã xây dựng quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013. Vì vậy, việc mua sắm các loại vũ khí là bình thường và chính lệnh cấm bán các loại vũ khí sát thương cho Việt Nam mới là điều “không bình thường”.

Chính vì những khúc mắc trong lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sát thương cho Việt Nam của Mỹ, nên trong suốt 21 năm qua, quan hệ giữa 2 nước vẫn đang dừng ở mức độ “Quan hệ đối tác toàn diện” chứ chưa phải là “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, giống như quan hệ Việt Nam với Nga và 1 số nước khác.

Tuy nhiên, có thể đánh giá rằng, việc phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước đang đi theo một lộ trình chậm nhưng chắc chắn và luôn tiến về phía trước, hiện nay đang bước vào giai đoạn hợp tác thực chất và thực sự tin tưởng lẫn nhau.

Quan hệ hợp tác về quân sự Việt-Mỹ được đánh dấu bằng chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen vào năm 2000. Trước đó, hợp tác quốc phòng giữa hai nước chủ yếu liên quan đến vấn đề tù binh và người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (POW/MIA).

Sau chuyến thăm của ông William Cohen, cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, quan hệ hợp tác quốc phòng hai bên đã bắt đầu trở nên cởi mở hơn. Kể từ năm 2003, các tàu chiến của Hải quân Mỹ đã được phép ghé thăm Việt Nam hàng năm.

Tháng 11/2003, Đại tướng Phạm Văn Trà đã có chuyến thăm đáp lễ đến Washington. Đây cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Mỹ của một Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam.

Trong chuyến thăm này, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và người đồng cấp Mỹ Donald Rumsfeld đã đồng ý tiến hành các cuộc gặp gỡ, trao đổi cấp Bộ trưởng Quốc phòng 3 năm một lần, trên cở sở luân phiên giữa hai nước.

Việc đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Việt Nam sẽ giúp Mỹ nâng cao phạm vi hoạt động và khả năng giám sát

Quan hệ hợp tác Quốc phòng Việt-Mỹ tiến thêm một nấc thang mới bằng việc chính quyền của Tổng thống George Bush tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm bán các trang thiết bị quân sự phi sát thương cho Việt Nam vào năm 2007, mở ra cơ hội đầu tiên để hai nước tiến hành giao dịch thương mại vũ khí.

Quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước có những bước tiến đáng kể từ năm 2009 khi cả hai bên đã tham gia nhiều hơn vào các hoạt động mang tính biểu tượng và thăm viếng lẫn nhau, nhằm tăng cường sự tham vấn quốc phòng cấp cao giữa hai nước.

Tháng 04/2009, các quan chức quốc phòng Việt Nam đã lên tham quan hoạt động trên tàu sân bay USS John D. Stennis (CVN-74) đang hoạt động trên khu vực Biển Đông. Đến tháng 09/2009, tàu cứu hộ USNS Safeguard đã trở thành chiếc tàu đầu tiên của Hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động sửa chữa nhỏ tại TP Hồ Chí Minh.

Đầu tháng 10/2014, Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ. Theo đó, Việt Nam sẽ được phép mua các trang thiết bị quốc phòng liên quan đến an ninh hàng hải trong tương lai.

Do đó, việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter vừa qua tuyên bố ủng hộ việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam được các chính trị gia và học giả không chỉ ở Mỹ, mà trên toàn thế giới đánh giá là tín hiệu cho thấy quan hệ giữa hai nước đang bước vào giai đoạn “đối tác chiến lược toàn diện”.

Tăng cường hợp tác quốc phòng với Việt Nam, Mỹ được lợi những gì?

Dự kiến trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5-2016 tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama, quan hệ Việt-Mỹ sẽ có những bước chuyển biến mới mạnh mẽ không chỉ về kinh tế (liên quan đến Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương - TPP), mà còn cả về hợp tác kỹ thuật-quân sự.

Theo truyền thông thế giới nhận định, trong chuyến thăm này, ông Obama sẽ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, đưa quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai bên tiến đến giai đoạn hoàn toàn tin tưởng lẫn nhau, hợp tác hai bên cùng có lợi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama hội đàm tại Nhà Trắng tháng 7/2015

Rất nhiều ý kiến cho rằng, nếu Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương, hưởng lợi chủ yếu sẽ là Việt Nam. Đây là quan điểm có phần đúng nhưng chưa đủ và hơi phiến diện. Việc quan hệ hợp tác quốc phòng hai bên đi vào thực chất cũng sẽ có lợi rất lớn cho Mỹ.

Tăng cường sự tin tưởng của đồng minh và cộng đồng quốc tế vào Mỹ

Cái lợi lớn nhất đối với Washington là sự tin tưởng của các đối tác vào sự hợp tác thực chất, không vụ lợi. Đây là điều rất cần thiết trong bối cảnh uy tín, địa vị của Mỹ có phần giảm sút sau sự trỗi dậy của Nga và Trung Quốc và việc một số đồng minh nghi ngờ sự thực chất trong một số cam kết của Mỹ.

Mỹ từng tuyên bố ngăn chặn những hành động thay đổi hiện trạng trên Biển Đông của Trung Quốc là để bảo đảm tự do hàng hải và an ninh trên biển cho toàn bộ khu vực và trên thế giới, nhưng Bắc Kinh cho rằng, đó là hành động xây dựng khối đồng minh để bao vây, cô lập và đối phó với nước này.

Đối với Hoa Kỳ, tăng cường khả năng của tuần tra giám sát hải phận cho Việt Nam sẽ giúp duy trì được hiện trạng của khu vực, phù hợp với mục tiêu được Washington tuyên bố là giúp các nước trong khu vực này tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền lãnh hải, giúp duy trì an ninh biển trong khu vực.

Việc Washington chủ động “bình thường hóa hoàn toàn” quan hệ với Việt Nam sẽ giúp Mỹ chứng minh được rằng, đây là sự hợp tác đúng với bản chất của nó là bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải trên toàn thế giới, vấn đề bảo đảm an ninh quốc tế thì không phân biệt chế độ chính trị và ý thức hệ.

Nâng cao phạm vi hoạt động và khả năng giám sát của hải quân Mỹ

Vấn đề thứ 2 là việc hợp tác quốc phòng với Việt Nam đi vào thực chất sẽ cho phép Mỹ bảo đảm được hoạt động quân sự của mình ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, thông qua việc sử dụng các dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật và tiếp tế nhiên liệu, nhu yếu phẩm ở cảng Cam Ranh.

Việt Nam đã đầu tư xây dựng và khai trương khu dịch vụ kỹ thuật-hậu cần quốc tế ở cảng Cam Ranh, cho phép các tàu chiến, máy bay của quân đội tất cả các nước (trừ các phương tiện trinh sát, tình báo) có thể sử dụng hạ tầng và trả tiền theo phí dịch vụ.

Việc sử dụng các dịch vụ này sẽ giúp hải quân-không quân Mỹ có thể nâng cao khả năng hoạt động không chỉ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà còn vươn sang cả Ấn Độ Dương, do cảng Cam Ranh nằm gần eo biển Malacca, nối sang đại dương này.

Việc sử dụng các cơ sở dịch vụ hậu cần-kỹ thuật ở cảng Cam Ranh nói riêng và đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Việt Nam nói chung sẽ rất có lợi cho chiến lược “Xoay trục về châu Á” của Mỹ và việc giám sát các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông.

Gia tăng thị phần vũ khí ở Đông Nam Á, cạnh tranh ảnh hưởng với Nga và Trung Quốc

Hiện Việt Nam đang nỗ lực hiện đại hóa quân đội, nhưng trong đó hơn 90% vũ khí trang bị được mua từ Nga. Với tiềm năng phát triển trong tương lai, các doanh nghiệp vũ khí Mỹ đang hy vọng có thể thu hẹp khoảng cách về thị phần vũ khí với Nga ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Ngoài ra, tạp chí quân sự nổi tiếng “Tin tức Quốc phòng” (Defence News) của Mỹ còn cho rằng, việc tăng thị phần vũ khí ở khu vực Đông Nam Á cũng giúp Mỹ đồng thời làm giảm mức ảnh hưởng về quân sự và chính trị, ngoại giao của Nga và Trung Quốc ở khu vực này.

Mỹ có thể tăng cường kim ngạch giao thương vũ khí, trang bị với Việt Nam và Đông Nam Á theo kiểu Ấn Độ, là sự trung hòa giữa xu hướng mua sắm vũ khí Nga và Mỹ, dần dần từng bước đánh chiếm thị phần vũ khí của Nga, đánh bật Trung Quốc ở khu vực này

Tóm lại: Trong bối cảnh Mỹ đang tiến hành kế hoạch “Xoay trục về châu Á”, trong chiến lược “Tái cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương” nên việc tháo gỡ lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam sẽ là hành động biểu trưng cho quyết tâm của Mỹ, giúp Washington gặt hái được các lợi thế địa-chính trị quan trọng.

Theo chiều ngược lại, việc đẩy mạnh hợp tác kỹ thuật-quân sự với Mỹ cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho Việt Nam. Trong kỳ sau chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về điều này.