Hợp tác đa phương để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông

ANTD.VN - Trước thực tế các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông diễn ra ngày càng thường xuyên hơn, công khai hơn, ngang ngược hơn, tận dụng hợp tác đa phương được cho là đối sách cần thiết để ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh.   

Hợp tác đa phương để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông ảnh 1Đoàn kết và hợp tác trong ASEAN giữ vai trò quan trọng trong việc ổn định tình hình ở Biển Đông (Trong ảnh: Lãnh đạo các nước ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35)

Trung Quốc từ thăm dò, thử phản ứng đến công khai thách thức

Trong vòng 30 năm qua, Trung Quốc đã tiến hành 7 hoạt động trái phép nghiêm trọng ở Biển Đông. Đó là đưa tàu thăm dò dầu khí vào bãi Tư Chính (năm 1994), đưa tàu Kan Tan-3 vào khảo sát ở khu vực chồng lấn trong vịnh Bắc bộ (năm 1997), thực hiện một số vụ cắt cáp tàu khảo sát dầu khí của Việt Nam, trong đó có tàu Bình Minh (năm 2011), đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển của Việt Nam (năm 2014), đưa tàu đến cản phá hoạt động dầu khí ở cực Nam thềm lục địa Việt Nam (năm 2017 và 2018), đưa tàu vào vùng biển Nam Biển Đông của Việt Nam (năm 2019).

Nếu như những hoạt động trái phép trong giai đoạn đầu tiên được đánh giá là phép thử phản ứng của Việt Nam và các nước, thì những hoạt động trong thời gian gần đây ngày càng công khai, ngang ngược. Đặc biệt, hoạt động của tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Nam Biển Đông hồi tháng 7 năm ngoái và trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia mới đây cho thấy Trung Quốc không còn thăm dò, thử phản ứng các nước mà là khảo sát thật.  

Sự thay đổi này xuất phát từ thực tế là hiện nay, nhờ sự trợ giúp về hậu cần từ các đảo nhân tạo ở cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc đã có thể vươn xa hoạt động quấy rối của mình xuống vùng biển của nước khác. 7 đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng và tôn tạo trái phép ở Trường Sa nay đã trở thành “tiền đồn” giúp Bắc Kinh tiến xa xuống phía Nam nhằm hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông. 

Cùng với đó là tốc độ hiện đại hóa nhanh chóng kho vũ khí của Trung Quốc mà hiện được đánh giá là dẫn đầu khu vực. Báo cáo mới nhất của cơ quan khảo cứu Quốc hội Mỹ cho biết Trung Quốc đang cấp tập tăng cường sức mạnh đội tàu ngầm. Hiện Bắc Kinh đang có khoảng 66 tàu ngầm các loại và con số này sẽ tăng lên 76 chiếc vào năm 2030, trong đó có hơn 10 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân. Như vậy, lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc đã vượt Mỹ, trong khi chỉ 55% số tàu ngầm của Mỹ là hoạt động tại Thái Bình Dương.

 Chính nhờ những “tiền đồn” trên biển và sự lớn mạnh của lực lượng hải quân, Trung Quốc ngày càng thường xuyên đưa tàu cảnh sát biển, dân quân biển và tàu cá xuống phía Nam hoạt động trái phép trong vùng biển của nước khác, cũng như cản phá hoạt động khai thác dầu khí của các nước trong khu vực. Trước đây, tranh chấp trên biển chủ yếu diễn ra giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philipines, thì nay mở rộng sang cả với Malaysia và Indonesia.

Tăng cường hợp tác đa phương để phá âm mưu chia rẽ

Theo ông Greg Poling, Giám đốc cơ quan Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI), Mỹ, trong khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động gây rối như vậy, những hành động riêng rẽ của các quốc gia có liên quan trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Malaysia…, hay các quốc gia ngoài khu vực như Mỹ, Australia, Nhật Bản… gần như không có nhiều tác động đến Trung Quốc và cũng rất khó thuyết phục Bắc Kinh thay đổi những hành vi sai trái của nước này ở Biển Đông.

Thậm chí theo nhiều chuyên gia quốc tế, những hành động của Mỹ ở Biển Đông, trong đó có việc triển khai các tàu chiến và máy bay nhằm thực hiện sứ mệnh “đảm bảo tự do hàng hải và hàng không” (FONOP) vốn được coi là một trong những “hoạt động mang tính chiến lược” của Mỹ, trên thực tế được đánh giá là cũng “không gây nhiều tác động” đến Trung Quốc.

Với lợi thế về cơ bản đã khống chế được đại dịch Covid-19 trong khi nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực vẫn đang vật lộn đối phó với dịch bệnh, Trung Quốc rất có thể sẽ tiếp tục có hành động gây căng thẳng ở Biển Đông. Thực tế đó đặt ra yêu cầu với các nước trong khu vực cần thống nhất quan điểm về những gì cần phải làm để đối phó với những tham vọng sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông.

Từ trước tới nay, Trung Quốc dứt khoát từ chối quốc tế hóa các tranh chấp tại Biển Đông thông qua các đàm phán đa phương. Bằng cách giải quyết song phương, Bắc Kinh hy vọng có thể chia rẽ và thuyết phục từng nước ngả theo yêu sách của mình. Chính vì thế, nếu đưa được Trung Quốc vào các cơ chế đa phương, vị thế của Bắc Kinh có thể yếu hơn. Theo ông Greg Poling, sự đoàn kết của các nước trong khu vực nếu được thể hiện đúng lúc và mạnh mẽ sẽ khiến Trung Quốc buộc phải thể hiện mình là một bên có trách nhiệm hơn ở Biển Đông nếu không muốn hình ảnh quốc gia của nước này bị tổn hại nghiêm trọng hơn.

Trong bối cảnh đó, vai trò của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) rất quan trọng. Quá khứ cho thấy khi Trung Quốc cảm nhận  các nước trong khu vực bắt đầu đoàn kết lại trong một chính sách chung nhằm duy trì nguyên trạng hồi mùa hè năm 2011, Bắc Kinh đã đổi giọng và chấp nhận một bộ nguyên tắc để hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Mỹ. Rõ ràng, mối đe dọa bị quốc tế hóa các tranh chấp trên Biển Đông và các tuyên bố nhằm vào các hành động sai trái của Trung Quốc đã khuyến khích Bắc Kinh đi theo hành động ngoại giao.

Bên cạnh các hội nghị của ASEAN, khu vực còn có Cấp cao Đông Á, Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) gồm các nước ASEAN và 8 đối tác, trong đó có các nước như Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ vốn lớn có tiếng nói quan trọng. Các nước trong khu vực có thể tận dụng các diễn đàn này để giúp đẩy thảo luận đa phương về vấn đề Biển Đông.

Cuối cùng, các nước trong khu vực cũng cần tăng cường hợp tác với Trung Quốc để Trung Quốc nhận thấy những lợi ích to lớn từ việc này, thúc đẩy Trung Quốc phải tôn trọng quyền khai thác và bảo vệ những nguồn lợi về tài nguyên, khoáng sản hợp pháp của các quốc gia trong khu vực ở Biển Đông. Ràng buộc lợi ích kinh tế sẽ giúp hạn chếbớt những hành vi chèn ép ngang ngược của Trung Quốc như đã từng diễn ra trong thời gian qua.